Để chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực, truyền thống của các địa phương theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, tỉnh tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… để thúc đẩy phát triển sản xuất đối với các hộ dân trong vùng chuyên canh.
Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh triển khai Chương trình OCOP nhằm thúc đẩy xây dựng nông sản địa phương thành sản phẩm hàng hóa chất lượng. Hằng năm, Ban Chỉ đạo chương trình OCOP tỉnh hướng dẫn các địa phương rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ xây dựng nâng cấp bao bì, tem nhãn, xây dựng thương hiệu, bảo hộ về nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Ông Lê Mạnh Quy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ và Xuất, nhập khẩu Quy Hoa ở huyện Hải Hà cho biết: Sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã được xếp hạng OCOP 5 sao cấp quốc gia. Có được kết quả này là do công ty nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh, địa phương và các ngành trong việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học, công nghệ cao đến việc tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước và quốc tế. Ðây là động lực giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng đưa sản phẩm nông nghiệp đến gần người tiêu dùng, đem lại doanh thu, giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách địa phương.
Ðể nâng tầm nông sản địa phương, huyện Bình Liêu đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại; thường xuyên củng cố, rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của các đơn vị tham gia chương trình.
Việc thúc đẩy nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu, Hoàng Ngọc Ngò
Năm 2023, Bình Liêu phấn đấu phát triển mới ít nhất từ hai sản phẩm trở lên; có thêm ba sản phẩm mới đạt từ 3 sao, một sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Huyện Ðầm Hà là một trong những địa phương tiêu biểu đang phấn đấu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của Quảng Ninh. Năm 2021 huyện có hai sản phẩm được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh là trứng vịt biển Tân Bình và gà bản Ðầm Hà. Năm 2023, Hội Nông dân huyện Ðầm Hà tiếp tục có ba sản phẩm mới được đề cử để lựa chọn biểu dương tại chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ðầm Hà Nguyễn Hồng Thanh chia sẻ: Chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hội viên trên địa bàn; thông qua chương trình này nhằm tiếp tục khẳng định chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm địa phương tiếp tục vươn xa.
Ðược tổ chức hai năm một lần, năm 2023 Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức hội nghị tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tôn vinh 35 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023 thuộc nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nam Dược Y Võ ở thành phố Uông Bí cho biết: Công ty vinh dự có hai sản phẩm là Cao Thiên Ðông và Cao Lạc Tiên An Thần được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Ðây là sản phẩm thảo dược được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương, xếp hạng OCOP 3 và 4 sao của tỉnh. Sản phẩm được phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Phát huy những kết quả đạt được, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm, đa dạng hóa các chủng loại, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị, nhà thuốc… trên cả nước.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, trên trang thương mại điện tử, như: Tiki, Lazada, Voso…
Quảng Ninh phấn đấu đến hết năm 2025, có khoảng từ 8-10 sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu đạt 5 sao cấp quốc gia; 100% sản phẩm OCOP được dán tem điện tử hoặc có mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc và xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Các sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh đã tự khẳng định chất lượng và những điểm riêng biệt và điều này chỉ có thể có trong các sản phẩm đặc sản của từng vùng miền, từng bước phát triển theo hướng bền vững và tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, Nguyễn Minh Sơn
Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP đã góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mang lại thu nhập cao cho cộng đồng dân cư nông thôn.
Bài và ảnh: Lương Quang Thọ
Báo Nhân dân – nhandan.vn