Quảng Ninh: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn Quảng Ninh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất.

Huyện Hải Hà hiện có khoảng 10ha trồng trà hoa vàng, chủ yếu do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa trồng. Để nhân lên giá trị cho cây trà hoa vàng, công ty đã đầu tư công nghệ bao gồm hệ thống tạo bóng râm che phủ quanh năm để chống nóng, hệ thống tưới nước giữ ẩm.

Cùng với đó, thay vì cách làm truyền thống là sấy nóng thủ công trà hoa vàng bằng nhiệt độ cao, công ty áp dụng cách chế biến sấy khô bằng phương pháp đông lạnh thăng hoa. Bởi như vậy, những bông hoa vàng tươi khi thu hái về xưởng vẫn giữ nguyên được hương vị, màu sắc, đặc tính dược liệu tự nhiên… sau khi chế biến. Trà hoa vàng của công ty là một trong 3 sản phẩm OCOP cấp quốc gia (hạng 5 sao) của tỉnh.


Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa Lê Mạnh Quy (thứ 2, trái sang) kiểm tra quy trình đóng gói sản phẩm trà hoa vàng. Ảnh: CTV

Còn Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) cũng luôn chú trọng yếu tố KHCN. Bà Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty Bavabi, cho biết: Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất hiện đại để chế biến hải sản và hệ thống vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín đảm bảo VSATTP tuyệt đối. Nhờ đó, các sản phẩm của Bavabi nói chung, sản phẩm OCOP của Bavabi nói riêng giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất và an toàn đối với người tiêu dùng. Hiện Bavabi đang có 2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai.

Không chỉ với sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và XNK Quy Hoa, hay Công ty Bavabi, với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, nhiều năm qua tỉnh luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; thực hiện chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ…


Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đầu tư thiết bị hiện đại chế biến sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Đức

Về phía Sở KH&CN luôn tăng cường các nhiệm vụ ứng dụng KHCN đối với những sản phẩm OCOP; trong đó tập trung hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KHCN trong sản xuất… Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh rà soát, đánh giá các sản phẩm được cấp sao…

Từ năm 2022 đến nay, Sở KH&CN đã tham mưu UBND hỗ trợ triển khai 25 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ tiếp tục được Sở quan tâm tham mưu triển khai nhằm từng bước giúp các tổ chức, cá nhân nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Mỗi năm, Sở KH&CN hướng dẫn hơn 100 tổ chức, cá nhân rà soát hồ sơ gia hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm…

Đến nay có nhiều doanh nghiệp, HTX áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm OCOP; thực hiện nghiêm túc việc ghi nhãn hàng hoá, công bố hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm theo quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao với 212 chủ thể sản xuất (55 doanh nghiệp, 83 HTX, 74 hộ sản xuất). 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3-5 sao đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Cầm Khuê
Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh – quangninh.gov.vn