Làng quê sáng – xanh – sạch – đẹp và đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng đủ đầy, phong phú, cộng đồng dân cư bản địa xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Đây là những yếu tố mà tỉnh Quảng Ngãi hướng đến trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Du khách tham quan, chụp hình ở điểm du lịch nông nghiệp xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi
Lợi thế phát triển
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, một số địa phương trong tỉnh đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch và mang lại kết quả khả quan. Điển hình như mô hình du lịch cộng đồng dừa nước xã Tịnh Khê, một ngày làm nông dân đất đảo – Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn, du lịch cộng đồng gắn đồng muối Sa Huỳnh và homestay, du lịch miệt vườn trái cây tại thôn Bình Thành, du lịch cộng đồng Gành Yến, bàu Cá Cái…
Dựa trên hệ sinh thái và văn hóa truyền thống được bảo tồn tương đối đa dạng và hiệu quả, bàu Cá Cái ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đang là điểm đến thu hút du khách. Chị Dương Thị Kim Liên, Phó Ban đại diện Tổ du lịch cộng đồng bàu Cá Cái cho biết, nơi đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn có hình dạng như cái chảo, bao bọc bởi dãy đồi, núi và động cát ven biển. Khu vực tách biệt với bên ngoài nên hiếm người biết đến.
“Tổ du lịch cộng đồng bàu Cá Cái có 21 thành viên, bà con rất năng nổ tham gia đóng góp xây dựng công trình cơ bản, cùng nhau trồng hoa, trồng cây xanh, trang trí các tiểu cảnh. Chủ động quảng bá hình ảnh, kết nối tour du lịch, tổ chức nấu ăn, chèo ghe,… Từ Tết Nguyên đán đến nay, điểm du lịch này đón khoảng 10 nghìn lượt du khách. Từ du lịch, thu nhập các thành viên trong tổ trung bình từ 150.000-200.000 đồng/ngày”, chị Liên chia sẻ.
Khi được hỏi về tham gia làm du lịch, chị Phùng Thị Bưởi thôn Thuận Phước vui vẻ nói: “Du khách đến đây rất thích không khí mát mẻ, xanh trong lành, người dân thôn quê rất phấn khởi. Mỗi ngày, tôi chèo ghe được 1-2 chuyến, những ngày tết, nghỉ lễ thì chở được 6-7 chuyến/ngày, mỗi chuyến đi khoảng 1 tiếng, có đoàn khách đi chụp ảnh nhiều thì lâu hơn. Nhiều du khách rất thích thú khi vừa chèo ghe vừa thả lưới đánh cá”.
Du khách thướt tha trong tà áo dài check in ở rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn
Thực tế cho thấy, thay đổi căn bản nhất khi các địa phương trở thành những trung tâm du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là thu nhập của người dân tốt. Có thêm nguồn thu nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân dần ấm no hơn và kéo theo đó là thực hiện tốt hơn các tiêu chí được đánh giá là khó trong quá trình xây dựng NTM như tỉ lệ hộ nghèo, gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống để phục vụ lại cho phát triển du lịch…
Phát triển du lịch xanh, bền vững
Theo Sở VHTTDL tỉnh, thời gian qua, du lịch Quảng Ngãi thiên về phát triển loại hình du lịch biển đảo, song du lịch vẫn chịu ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, nhiều bãi biển quá tải vào mùa hè dẫn đến hệ lụy về môi trường nhưng vắng khách vào mùa đông. Mặt khác, sản phẩm du lịch biển đảo thường gắn với nghĩ dưỡng cao cấp, khả năng cạnh tranh về loại hình này của tỉnh không thể sánh bằng các tỉnh, thành lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định. Do đó, tỉnh xác định sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng khai thác hiệu quả là sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Theo đại diện của Chi nhánh Cocotravel Quảng Ngãi, để du lịch cộng đồng và du lịch nông thôn phát triển một cách bền vững và mang lại lợi ích thật sự cho người dân như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, bảo tồn văn hóa và thiên nhiên thì hãy giữ lại nét mộc mạc nhất có thể của thôn làng, cái riêng cái độc đáo của nông thôn của điểm đến và xác định cho được cái mà mình có duy nhất, nơi khác không có. Không cần đầu tư quá nhiều tiền để mở rộng đường, cầu mà chú ý phát triển hạ tầng mềm tạo sự thoải mái và tiện nghi cho du khách như chỗ nghỉ chân, nơi ngắm cảnh, nhà vệ sinh công cộng, điểm check-in lưu lại kỷ niệm với điểm đến, ví dụ cánh đồng lúa, ruộng muối sa huỳnh, phủ sóng wifi…
“Phải quản lý rác thải nghiêm ngặt. Rác nhựa và rác hữu cơ phải được phân loại tại từng gia đình và xử lý riêng biệt. Tuyệt đối không để rác vương vãi ra đường làng, lối đi, kênh rạch, ao hồ,… nơi có sự qua lại của du khách. Điểm đến sạch, xanh, chỉnh chu là yếu tố đầu tiên cần nghĩ đến khi muốn làm du lịch bền vững”, đại diện đơn vị Cocotravel Quảng Ngãi chia sẻ.
Hình thành điểm đến xanh, an toàn, bền vững
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Tỉnh ưu tiên lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng theo bản sắc đặc trưng riêng của từng vùng, phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và các địa phương. Từng bước hình thành các mô hình chuỗi giá trị du lịch. Liên kết, đẩy mạnh phát triển và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, bảo tồn và phát triển các làng nghề nông thôn thông qua phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch xanh, an toàn, bền vững”.
Như Đồng
Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn