Quảng Nam: Núi Thành nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP

Tham gia chương trình OCOP, các chủ thể sản phẩm ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã trở nên vững vàng hơn trong sản xuất, kinh doanh nhờ được thụ hưởng nhiều cơ chế hỗ trợ thiết thực.

 

 

Thời gian qua, nhiều chủ thể OCOP ở Núi Thành được hỗ trợ kinh phí để có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Ảnh: P.V

Thời gian qua, nhiều chủ thể OCOP ở Núi Thành được hỗ trợ kinh phí để có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Ảnh: P.V

Năm 2022, do nhu cầu kinh doanh và đồng hành địa phương trong xây dựng nông thôn mới, cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của bà Võ Thu Thủy phát triển thành HTX Nông nghiệp – dược liệu Tam Anh Nam với số vốn điều lệ 500 triệu đồng. Sau khi thành lập, HTX tham gia chương trình OCOP với việc đăng ký sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa. Năm 2023, sản phẩm được UBND huyện Núi Thành xếp hạng OCOP 3 sao.

“Thời gian qua, đơn vị chúng tôi được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng từ các nguồn để thành lập HTX mới, thu hút nhân lực trẻ, khuyến công, OCOP. Qua đó, có điều kiện mua sắm trang thiết bị máy móc, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu…

Sự tiếp sức kịp thời của ngành liên quan và chính quyền địa phương là động lực lớn giúp các chủ thể OCOP nỗ lực vươn lên trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái” – bà Võ Thu Thủy – Giám đốc HTX Nông nghiệp – dược liệu Tam Anh Nam nói.

Năm 2024, huyện Núi Thành đặt mục tiêu phát triển mới 4 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao và 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Phấn đấu nâng doanh số bán hàng OCOP trên địa bàn huyện tăng 1,5 lần so với năm 2023.

Đến nay HTX Nông nghiệp – dược liệu Tam Anh Nam đã phát triển được 5 sản phẩm từ đông trùng hạ thảo và liên kết với cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Út Anh bao tiêu lá tràm cho nhiều hộ dân với diện tích 1,2ha.

“Do các yếu tố khách quan của nền kinh tế nên sau 1 năm hoạt động, HTX chỉ có lợi nhuận 186 triệu đồng. Mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và chú trọng việc chế biến sâu sản phẩm” – bà Thủy chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Linh – Phó phòng NN-PTNT Núi Thành, từ năm 2018 – 2022, huyện chi khoảng 2,7 tỷ đồng để thực hiện chương trình OCOP. Trong đó, phần lớn kinh phí ưu tiên hỗ trợ các chủ thể đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất… Tính đến cuối năm 2022, Núi Thành có 20 sản phẩm đạt chuẩn OCOP các hạng sao.

Năm 2023, chương trình OCOP quy định một số nội dung mới nên từ đầu năm UBND huyện Núi Thành triển khai rà soát, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng đăng ký thực hiện.

Để tiếp sức các chủ thể, huyện tiếp tục chi 800 triệu đồng hỗ trợ một số phần việc quan trọng. Năm nay, Núi Thành có thêm 5 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp huyện và 1 sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện xếp hạng đạt chuẩn OCOP 4 sao đã gửi hồ sơ về tỉnh thẩm định, công nhận.

Khắc phục những hạn chế

Ông Ngô Đức An – Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nhìn nhận, mặc dù đến nay toàn huyện có 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhưng so với tiềm năng thì chưa tương xứng.

“Việc thực hiện chương trình OCOP ở Núi Thành còn nhiều hạn chế, trong đó trở lực lớn nhất là nguồn nhân lực của các chủ thể và người lao động tham gia chương trình còn thiếu nhiều” – ông An nói.

Núi Thành là huyện công nghiệp nên lực lượng lao động trẻ có tri thức và tay nghề cao hầu hết vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Do vậy, nguồn lao động chất lượng tham gia vào việc xây dựng, sản xuất – kinh doanh sản phẩm OCOP rất ít. Điều này làm cho trình độ năng lực về tổ chức quản lý, hoạt động sản xuất – kinh doanh của chủ thể sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế.

Thấy rõ thách thức, Núi Thành đặt mục tiêu ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất những sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Từ đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Đồng thời, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.

Ông Ngô Đức An cho biết, huyện xác định những năm tới cần tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia nhiều hơn các hoạt động trưng bày, hội chợ nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực bằng việc nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời, động viên chủ thể các sản phẩm trẻ hóa người trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động sản xuất – kinh doanh để thực hiện hiệu quả những phần việc liên quan, nhất là thương mại điện tử.

Cũng theo ông An, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ cho riêng sản phẩm OCOP. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho các chủ thể sản phẩm, nhất là kỹ năng về thương mại điện tử…

“Song hành với việc đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể, chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm phân bổ kinh phí nhiều hơn để huyện có nguồn hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư mua sắm, nâng cấp trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Đây là điều cần thiết để tăng “sức sống” cho các chủ thể OCOP trong thời điểm suy thoái kinh tế” – ông An nói.

 Đông Yên – Mai Linh 

Báo Quảng Nam Online – baoquangnam.vn