Trong số 6 lĩnh vực sản phẩm OCOP, lĩnh vực dịch vụ nông thôn và điểm du lịch có số lượng sản phẩm rất ít ỏi. Điều này chứng tỏ không dễ để hình thành và phát triển tốt lĩnh vực này dù được nhận định là tiềm năng rất lớn.
Dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành là sản phẩm OCOP du lịch duy nhất đạt chuẩn 4 sao trên địa bàn Quảng Nam. Ảnh: P.Q
Đến hiện tại, Quảng Nam đã có hơn 300 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3-4 sao nhưng ở lĩnh vực dịch vụ nông thôn và điểm du lịch chỉ có vỏn vẹn vài sản phẩm. Các sản phẩm OCOP Quảng Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ… Không khó lý giải cho thực trạng này bởi các loại hình thực phẩm, đồ uống hay thủ công mỹ nghệ gắn liền với vùng nguyên liệu tại chỗ và đời sống nông thôn – nông dân.
Với hàng triệu lượt khách du lịch đến Quảng Nam mỗi năm, các bên liên quan cũng đã nhận ra khoảng trống thị trường OCOP ở lĩnh vực dịch vụ nông thôn và điểm du lịch và có nhiều nỗ lực để đẩy mạnh loại hình này nhưng kết quả thu được đến nay chưa được như kỳ vọng.
Hạn chế ở lĩnh vực dịch vụ nông thôn và điểm du lịch trong phát triển sản phẩm OCOP không phải là khó khăn riêng của Quảng Nam. Bởi đến nay trên toàn quốc vẫn chưa có sản phẩm nào ở lĩnh vực này được công nhận đạt chuẩn 5 sao OCOP. Sản phẩm duy nhất đạt chuẩn 4 sao OCOP của Quảng Nam ở lĩnh vực này là dịch vụ du lịch cộng đồng làng chài Tân Thành (TP.Hội An).
Theo đại diện cộng đồng sáng lập sản phẩm này, việc sản phẩm trên đạt chuẩn OCOP 4 sao không đơn thuần dựa vào sự đặc sắc của phiên chợ làng chài Tân Thành mà còn là sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các chủ thể như cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch trong quy trình vận hành bền vững điểm đến.
Có thể thấy, để một sản phẩm OCOP du lịch ra đời và tồn tại lâu dài không phải là điều dễ dàng. Nó cần tổng hòa của nhiều yếu tố như thuận lợi về địa lý du lịch, có yếu tố mới mẻ sáng tạo thu hút du khách hay kinh nghiệm trong việc quản trị, tiếp cận thị trường du lịch…
Do đó, dù sở hữu tài nguyên du lịch nông thôn và “nguồn nguyên liệu” bản địa dồi dào nhưng không có mấy mô hình đủ năng lực để dấn thân vào lĩnh vực này trong khi có một vài sản phẩm đã định hình được dấu ấn thì lại không mặn mà với chương trình OCOP.
Tại diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” vừa diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc công ty Saigon ASSET (đơn vị lữ hành) nhận định, muốn hình thành sản phẩm OCOP du lịch chất lượng thì nên chăng các địa phương cần chọn lọc một nhóm ít các sản phẩm “OCOP elite – (tinh hoa)”, có tính đặc thù cao, quy mô sản xuất không theo hướng công nghiệp hóa để đầu tư sâu gắn với thị trường du lịch.
Còn ông Phương Đình Anh – Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, chương trình OCOP không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn chứa đựng đầy đủ tài nguyên bản địa, giá trị văn hóa truyền thống của vùng miền, dân tộc, giá trị kết nối cộng đồng.
Có không ít sản phẩm OCOP quy mô sản xuất nhỏ nhưng lại chứa đựng giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, giá trị nhân văn rất lớn và muốn tiến vào thị trường du lịch cần khai thác được những khía cạnh này. Bên cạnh đó, muốn làm được sản phẩm OCOP du lịch thì không thể đứng một mình mà phải là sự tương tác của cả một cộng đồng.
Thế mới biết, làm OCOP du lịch, tưởng dễ mà hóa ra lại rất khó. Nếu không có chiến lược bài bản và sự khác biệt, thì cũng chỉ dừng lại ở phong trào và không đi đường xa được.
Phạm Quốc
Báo Quảng Nam online – baoquangnam.vn