Quảng Nam: Huyện Nam Giang phát triển du lịch dựa vào cộng đồng

Tại các địa phương có tiềm năng, bằng hoạt động hỗ trợ cụ thể, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xây dựng kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo điểm đến lý tưởng cho du khách.

Nam Giang kỳ vọng phát triển du lịch bằng văn hóa cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Ảnh: Đ.N

Đây được xem là hướng đi mới, mang tính khả thi trong hoạt động phát triển du lịch dựa vào cộng đồng miền núi. Trong đó, văn hóa làng với sắc màu đa dạng cùng ẩm thực gắn với cảnh quan kỳ thú… được kỳ vọng sẽ là những “chất liệu” mời gọi, thu hút sự quan tâm của du khách trong hành trình khám phá, trải nghiệm.

“Điểm hẹn” Đồng Râm

Sau thời gian chuẩn bị, mới đây, UBND thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) tổ chức lễ phát động xây dựng làng du lịch dựa vào cộng đồng Đồng Râm với nhiều hoạt động như hướng dẫn thành lập ban quản lý du lịch cộng đồng, các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống.

Ông Kaphu Tân – Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, mô hình làng du lịch dựa vào cộng đồng Đồng Râm được xây dựng bằng một đề án tổng thể khá chi tiết.

Trong đó, lấy văn hóa làng và cảnh quan thiên nhiên của vùng đất làm “điểm hẹn” kết nối các tour trải nghiệm dành cho du khách, thông qua hình thức tham quan trekking, cùng người dân tham gia các hoạt động làm lúa nước, tắm suối, học nấu ăn, bắn ná, trình diễn nghệ thuật trống chiêng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS)…

“Đề án xây dựng làng du lịch dựa vào cộng đồng Đồng Râm giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030 được HĐND huyện Nam Giang thông qua.

Qua đó, nhằm cụ thể hóa Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2024 – 2025 hơn 7,2 tỷ đồng. Thông qua đề án này, chúng tôi kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại Đồng Râm.

Cụ thể là khai thác các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên trong phát triển du lịch bền vững, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, mở rộng hoạt động du lịch, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương” – ông Tân chia sẻ.

Tổ dân phố Đồng Râm nằm cách tuyến đường Hồ Chí Minh khoảng 3km, được đánh giá rất có tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng.

Ngoài cảnh quan kỳ thú, nằm giữa thung lũng xanh thắm được bao quanh bởi những dãy núi đá đẹp mắt với nhiều hang động và thạch nhũ, Đồng Râm còn là nơi cộng cư, sinh sống lâu đời của đồng bào Cơ Tu, Tày, Nùng, Giẻ Triêng… với nghề trồng lúa nước dưới chân núi.

Nơi này còn được bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là nghệ thuật trống chiêng kết hợp trình diễn đàn tính và các làn điệu dân ca của đồng bào các DTTS, nghi thức, nghi lễ truyền thống mang đậm sắc màu văn hóa miền núi.

Hang động đá vôi ở Đồng Râm. Ảnh: Đ.N

Liên kết khai thác tiềm năng

Ông Trần Ngọc Hùng – Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho biết, Đồng Râm như bước tiếp nối trong hành trình liên kết khai thác tiềm năng du lịch của địa phương. Là bởi, trước khi xây dựng Đề án làng du lịch dựa vào cộng đồng Đồng Râm, Nam Giang đã triển khai các hoạt động du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm cho du khách.

Tiêu biểu như làng du lịch Za Ra (xã Tà Bhing) với điểm nhấn là văn hóa cộng đồng kết hợp ẩm thực truyền thống và hoạt động lưu trú, khám phá đời sống sinh hoạt của đồng bào Cơ Tu.

“Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết 08 của Huyện ủy và Đề án 03 của UBND huyện về phát triển du lịch Nam Giang, thời gian qua, bên cạnh khảo sát, đánh giá tiềm năng và lợi thế của vùng, chúng tôi bước đầu xây dựng nền tảng phát triển các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điểm đến lý tưởng cho du khách.

Trong đó, chọn văn hóa và ẩm thực làm sản phẩm đặc trưng để khai thác du lịch, mang đến sự trải nghiệm chân thực và hài lòng nhất cho du khách mỗi khi đặt chân đến Nam Giang” – ông Hùng nói.

Không nằm ngoài mục tiêu phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng, các yếu tố khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên, sinh thái nhân văn của vùng đất cũng được chính quyền huyện Nam Giang chú trọng, xem đó là tài nguyên du lịch đặc trưng của địa phương miền núi này.

Để tăng sự trải nghiệm cho du khách, Nam Giang định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng từ văn hóa cộng đồng, đặt mục tiêu giữ chân du khách bằng hoạt động trải nghiệm thú vị, độc đáo thông qua các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực và khám phá núi rừng hoang sơ của vùng đất.

Theo ông Châu Văn Ngọ – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cùng với hình thành các điểm đến, thời gian tới địa phương sẽ tăng cường liên kết du lịch tiềm năng; đồng thời thúc đẩy khai thác hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng, quan tâm đến câu chuyện khám phá, trải nghiệm của du khách…

ALăng Ngước 

Báo Quảng Nam Online – baoquangnam.vn