Phú Yên: Xây dựng OCOP gắn với câu chuyện sản phẩm

Với mục đích xây dựng hệ thống sản phẩm độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa, đặc trưng của vùng đất, con người xứ Nẫu, tỉnh Phú Yên và các địa phương khuyến khích các chủ thể sản xuất quan tâm xây dựng câu chuyện sản phẩm khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Câu chuyện sản phẩm của các sản phẩm ngũ cốc thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Thị Quỳnh Như (huyện Tuy An) được Hội đồng OCOP huyện Tuy An đánh giá cao về mặt nội dung cũng như thông điệp muốn truyền tải, xứng đáng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Ngọc Hân

Nhiều câu chuyện sản phẩm đã thuyết phục được khách hàng trong việc đưa ra quyết định sử dụng sản phẩm, từ đó góp phần phát triển thị trường và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm OCOP.

Mỗi sản phẩm gắn với câu chuyện

Sản phẩm bò một nắng Hà Trung của Công ty TNHH Sản xuất chế biến và thương mại Hà Trung (huyện Sơn Hòa) là một ví dụ. Năm 2022, khi nộp hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bà Nguyễn Thị Hà, giám đốc công ty này đã lấy ý tưởng từ tuổi thơ của mình gắn với công việc mua bán tại các buôn làng xa xôi, hẻo lánh của bà ngoại để viết câu chuyện sản phẩm.

Bà Hà chia sẻ: “Trước đây, đường sá đi lại khó khăn nên bà ngoại hay ngủ lại đêm cùng bà con dân tộc thiểu số. Trong câu chuyện mua bán trao đổi hàng hóa bên bếp lửa nhà sàn, bà con thường lấy bò một nắng hai sương trữ trên gác bếp đưa xuống nướng, chiêu đãi khách. Nhờ học được cách dự trữ thịt bò, bà tôi đã bắt tay vào làm sản phẩm bò khô từ năm 1954. Hấp thụ được cái lộc của bà để lại, tôi đã gầy dựng thành công thương hiệu bò một nắng Hà Trung với đa dạng sản phẩm làm từ bò được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Theo ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước, xuất phát từ những trăn trở xây dựng được thương hiệu riêng, câu chuyện sản phẩm sống lại hương vị xưa được các thành viên trong HTX viết dựa trên cảm nhận về vùng trồng đậu phộng trên cánh đồng Chay ngày trước. Ngày đó, nhà nào cũng trồng đậu phộng ép dầu để dành ăn quanh năm. Sau thời gian, nghề ép dầu thủ công không hoạt động nữa thì người dân sử dụng các loại dầu công nghiệp bán rẻ trên thị trường, lâu dần bỏ quên nghề truyền thống quê mình. “Nhờ HTX tham gia Chương trình OCOP nên được hỗ trợ kinh phí đầu tư mua máy ép sản xuất dầu phộng, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng đậu phộng giúp tăng thu nhập cho người dân”, ông Dư phấn khởi nói.

Trong bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100 điểm của thang điểm. Vì vậy, khi tham gia Chương trình OCOP, ngoài được ngành chức năng hướng dẫn quy trình hồ sơ thủ tục như: tư vấn hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bản tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế nhãn mác, bao bì, nâng cấp cải tiến sản phẩm… thì viết câu chuyện về sản phẩm là phần khá quan trọng. “Câu chuyện sản phẩm là câu chuyện thương hiệu. Câu chuyện hấp dẫn, chân thực sẽ khiến khách hàng nhập tâm, khắc sâu vào tâm trí và mua sản phẩm đó”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết.

Thiếu kinh nghiệm

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 181 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 9 sản phẩm 4 sao và 172 sản phẩm 3 sao. Nhiều chủ thể sau khi tham gia Chương trình OCOP đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, năm 2023, Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn, trở ngại, do cơ chế chính sách của trung ương có sự thay đổi, thể hiện tại Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm; trong đó phân cấp rõ việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao thuộc trách nhiệm của các huyện, thành phố và phân hạng 4 sao thuộc trách nhiệm của tỉnh. Đây là một trong những khó khăn cơ bản để có thể nâng số lượng sản phẩm OCOP toàn tỉnh trong thời gian tới, vì cấp huyện nguồn ngân sách hạn chế trong đầu tư cho việc đánh giá sản phẩm.

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Khi chuẩn bị hồ sơ chấm điểm OCOP, hầu hết sản phẩm phải bổ sung câu chuyện sản phẩm. Nhiều câu chuyện sản phẩm mới chỉ dừng lại ở việc nêu xuất xứ, nguồn gốc, quy trình sản xuất nên chưa tạo được sức hấp dẫn. Nguyên nhân là do hầu hết chủ thể tham gia là các hộ sản xuất nhỏ lẻ nên thiếu kinh nghiệm, không đủ khả năng diễn đạt, chưa biết vận dụng, lồng ghép các yếu tố văn hóa, sứ mệnh sản phẩm, lịch sử vùng đất… vào trong câu chuyện sản phẩm.

Bà Trần Thị Gương ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), chủ thể đang có 3 sản phẩm vừa được công nhận OCOP 3 sao, chia sẻ: “Lần đầu tham gia, tôi khá lúng túng khi thực hiện các thủ tục, hồ sơ, nhất là xây dựng câu chuyện sản phẩm. Nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của địa phương, ban ngành, tôi đã nắm bắt cụ thể, chi tiết mọi bất cập, thiếu sót, từ đó nhanh chóng khắc phục để sản phẩm của gia đình đạt được khung điểm tối đa”.

“Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP Phú Yên thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm để chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ; đồng thời đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại để ổn định đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

Câu chuyện sản phẩm không chỉ góp phần nâng điểm, xếp thứ hạng sao mà còn có giá trị quảng bá, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Do đó, các chủ thể OCOP không nên giới thiệu chung chung mà phải tìm được điểm khác biệt của sản phẩm, giới thiệu được nét tinh túy trong cách làm. Nội dung giới thiệu phải toát lên được hồn cốt của sản phẩm và niềm tự hào của vùng quê ấy.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT

Ngọc Hân

Báo Phú Yên – baophuyen.vn