Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhu cầu thị trường đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP là rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) phải có vùng nguyên liệu ổn định để đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
HTX sản xuất, chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê liên kết với các hộ dân làng nghề nhằm tự chủ, kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ.
Nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường cao, HTX sản xuất, chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê đã tập trung sản xuất chè VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm. Chè ở đây được chăm sóc tự nhiên, không hóa chất, không thuốc kích thích, không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh cung cấp nguyên liệu chè sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chè của HTX đã được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ hàng loạt các quy định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy sản phẩm chè thành phẩm luôn đảm bảo, được người tiêu dùng tin cậy. HTX hiện có ba nhãn hiệu sản phẩm là chè Đá Hen hảo hạng, chè Đá Hen và chè Đá Hen đặc sản, trong đó, sản phẩm chè Đá Hen hảo hạng đã đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất, ngoài diện tích 12,5ha chè của HTX, hiện HTX còn liên kết với các hộ dân của làng nghề là 100ha nhằm tự chủ, kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.
Với mong muốn xây dựng cây bưởi trở thành hàng hóa có thương hiệu để quảng bá đặc sản của tỉnh đến người tiêu dùng trong toàn quốc, HTX bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập hiện có trên 30ha vùng nguyên liệu với sản phẩm bưởi Diễn đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao. Từ khi HTX hình thành được vùng nguyên liệu đã giúp thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ ở các hộ gia đình sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các hội viên hợp tác nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 396 HTX nông nghiệp, 350 trang trại, 272 tổ hợp tác và một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên, trong đó 92 sản phẩm ba sao, 47 sản phẩm bốn sao, ba sản phẩm tiềm năng năm sao và một sản phẩm năm sao. Việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ giúp cho các doanh nghiệp, HTX chủ động trong kế hoạch sản xuất, kiểm soát được nguồn nguyên liệu về thời gian, số lượng, chất lượng của sản phẩm.
Để từng bước hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định, ngày 09/12/2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó hỗ trợ thúc đẩy hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung đất đai, phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương sản xuất theo hướng hàng hóa.
Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP đang được triển khai là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm những sản phẩm OCOP chất lượng cao. Qua đó, không chỉ hướng đến mục đích thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, góp phần quan trọng để các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Hương
Báo Phú Thọ – baophutho.vn