Sinh ra và lớn lên ở vùng quê với những đồi chè lớn nhỏ, trước đây chị Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Công ty TNHH Maika Food, xã Xuân Lộc luôn trăn trở làm sao để giúp người dân nâng cao thu nhập từ cây chè, tạo được sự liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ những đồi chè xanh bát ngát nằm bên dòng sông Đà, bằng quy trình, công nghệ hiện đại, Công ty đã tạo ra những sản phẩm trà cao cấp mang đậm hương vị và nét tinh hoa của cây chè Đất Tổ.
Ra đời từ năm 2019 đến nay, Công ty chuyên sản xuất, chế biến trà matcha và hoa quả sấy lạnh, nhiều dòng sản phẩm của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Chị Hương cho biết: “Thông qua sự hỗ trợ, kết nối hoạt động quảng bá qua các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm của Maika Food đã được nhiều khách hàng biết đến, nhất là các thị trường có khả năng tiêu thụ cao. Trước xu thế phát triển của công nghệ, chúng tôi cũng đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm trên Facebook, Tiktok có sự tương tác cao”.
Nhân viên Công ty TNHH Maika Food đóng gói sản phẩm.
Việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh tham gia, qua đó, giúp địa phương tìm kiếm, xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, có thế mạnh. Các chủ thể cũng đã chú trọng, quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng hình ảnh, mẫu mã, bao bì để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.
Là cơ sở duy nhất trên địa bàn huyện chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ cây tre, thân thiện với môi trường, có sản phẩm được chứng nhận OCOP, Công ty TNHH Bambamboo của anh Vũ Anh Văn, thị trấn Thanh Thủy đã chú trọng đầu tư sản xuất, cải thiện mẫu mã, với các sản phẩm decor và đồ gia dụng tre cao cấp, phục vụ nhà hàng, khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng và xuất khẩu. Hiện Công ty đã sản xuất hơn 100 mã sản phẩm khác nhau từ tre, trong đó một số sản phẩm được ưa chuộng và xuất khẩu nhiều ở thị trường nước ngoài như: Khay gác bồn tắm, khay để pizza, các dụng cụ văn phòng phẩm, đồ gia dụng nhà bếp… Sản phẩm được bán chủ yếu trên trang Amazon – website thương mại điện tử lớn trên thế giới. Mỗi tháng, Công ty cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước gần 5.000 sản phẩm các loại với giá bán từ 25 nghìn đồng đến vài triệu đồng, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Công ty cũng liên kết với các xưởng gỗ tại địa phương để kết hợp làm một số công đoạn khi đơn hàng quá tải.
Một số sản phẩm của Công ty TNHH Bambamboo được công nhận OCOP 3 sao.
Đồng chí Nguyễn Trọng Luyện – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thanh Thủy cho biết: Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay trên địa bàn huyện có 9/11 xã, thị trấn có các sản phẩm OCOP, trong đó 8 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 9 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, một số sản phẩm tiêu biểu có chỗ đứng trên thị trường như: Trà Matcha Maika, trà xanh Sencha, đặc sản tương làng Bợ… Hiện có 2 địa phương đang trong quá trình xây dựng hồ sơ chờ thẩm định công nhận sản phẩm OCOP. Mục tiêu trong năm nay, huyện sẽ có 6 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP”.
Để khuyến khích các địa phương, phát triển sản phẩm OCOP, UBND huyện Thanh Thủy đã tập trung vào các nhóm giải pháp chính là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về tổ chức phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tăng cường hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể phát triển sản phẩm, tiêu chuẩn hóa sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Đồng thời, UBND huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, làm tốt công tác huy động nguồn lực từ cộng đồng, các HTX, doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm OCOP bền vững.
Thu Hương
Báo Phú Thọ – baophutho.vn