Phú Thọ là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch. Tận dụng thế mạnh đó, những năm gần đây, ngành du lịch và ngành nông nghiệp đã liên kết để thúc đẩy quảng bá sản phẩm OCOP thông qua việc lồng ghép với các chương trình kích cầu du lịch.
Sản phẩm bánh chưng của HTX Nông thương Đất Tổ có bộ nhận diện đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ
Câu chuyện văn hóa
Ngày 08/5/2023, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành Quyết định số 1180/QĐ-BVHTTDL công bố Nghề làm bánh chưng, bánh giầy thành phố Việt Trì, huyện Cẩm Khê, huyện Tam Nông chính thức ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hai thứ bánh tượng trưng cho “Trời tròn – Đất vuông”, gắn với Di sản văn hóa phi vật thể được UNESSCO ghi danh là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Câu chuyện văn hóa về bánh chưng, bánh giầy được lưu truyền cùng với huyền sử về lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước đã trở thành một trong những yếu tố giúp định vị thương hiệu của bánh chưng, bánh giầy Phú Thọ. Bởi lẽ đó, bánh chưng trở thành sản phẩm OCOP của nhiều địa phương, kể đến như: Bánh chưng Ninh Hằng (xã Hùng Lô, TP Việt Trì), Bánh chưng Nguyễn Thị Minh Ảnh (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê), bánh chưng Đồng Cò (xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh)…
Không thể phủ nhận, giá trị văn hóa đã giúp bánh chưng Phú Thọ có chỗ đứng và giá trị cao trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại nhiều siêu thị. Có mặt tại hộ kinh doanh Nguyễn Thị Minh Ảnh (khu Phú Cát, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê), dù Tết âm lịch đã qua, người gói bánh, luộc bánh vẫn trải từ trong nhà ra tới ngoài sân. Với tiếng tăm từng nhiều năm liền đoạt giải Nhất hội thi “Gói bánh chưng, giã bánh giầy” tại Lễ hội Đền Hùng nên đông đảo người tiêu dùng muốn được thưởng thức chiếc bánh do nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Ảnh sản xuất. Vì vậy, số lượng người đặt hàng vẫn tấp nập.
Ông Phạm Xuân Hiếu – Giám đốc HTX Nông thương Đất Tổ cho biết: “Người tiêu dùng tìm đến sản phẩm bánh chưng của Phú Thọ một phần là để thưởng thức hương vị cội nguồn dân tộc. Trong tâm thức mỗi người, Phú Thọ chính là nơi phát tích ra bánh chưng nên bánh chưng Phú Thọ luôn có chỗ đứng vững vàng trên thị trường với giá thành ở phân khúc tương đối cao”. Nhiều yếu tố để cấu thành nên giá trị của chiếc bánh chưng (nguyên liệu, chất lượng, hương vị), nhưng trong thời đại công nghệ số như hiện nay, giá trị văn hóa từ mảnh đất cội nguồn lại là “tấm vé thông hành” mà không phải tỉnh, thành phố nào cũng có được, đây cũng là lợi thế quan trọng cho các sản phẩm OCOP đặc trưng khác của Phú Thọ vươn xa.
Du khách quốc tế trải nghiệm làm nón lá Gia Thanh – sản phẩm OCOP huyện Phù Ninh
Tạo chỗ đứng vững chắc
Tận dụng thế mạnh về văn hóa, nhiều hoạt động liên kết giữa ngành nông nghiệp và ngành du lịch được triển khai, tạo đà thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tại chỗ. Kể đến, tuần lễ quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2022, là hoạt động mở màn. Khu quảng bá thu hút 90 gian hàng của 12 tỉnh, thành phố, trong đó, 53 gian hàng trong tỉnh với 600 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ba sao trở lên. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 237 sản phẩm OCOP đạt hàng ba sao trở lên của 160 chủ thể và 126/225 xã, phường, thị trấn. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đã góp phần phát huy sức mạnh và vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của địa phương.
Cùng với đó, điểm tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP kết nối xây dựng tour du lịch trải nghiệm “Về miền Đất Tổ” được triển khai từ năm 2022. Đây là hoạt động có ý nghĩa hình thành điểm tham quan, mua sắm phục vụ nhân dân và du khách về miền Đất Tổ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách khi tới Phú Thọ. Ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch, Sở VHTTDL cho biết: “Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh không ngừng triển khai các kế hoạch quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp thông qua nhiều hoạt động quảng bá du lịch online, quảng bá trên nền tảng công nghệ. Việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng là chiến lược lâu dài, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng tour khép kín, khám phá làng nghề, các vùng chuyên canh kết hợp hoạt động trải nghiệm, khám phá cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, tạo giá trị sản phẩm tour tại Phú Thọ”.
Trong bối cảnh, nguồn lực để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP của các địa phương và chủ thể còn hạn chế thì việc kết nối với các hoạt động văn hóa, du lịch là một hướng đi khả quan. Năm 2023, lượng khách lưu trú tại tỉnh ước đạt 776.000 lượt; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 3.365 tỉ đồng (tăng 27% so với năm 2022), là những con số “biết nói” thể hiện sức tăng trưởng của ngành du lịch. Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với tiềm năng du lịch sẽ góp phần tăng cường tiêu thụ sản phẩm OCOP tại chỗ, là hướng đi tận dụng tối đa được tiềm năng, thế mạnh trong tương lai.