Cùng với lợi ích về kinh tế, những thành quả mà Chương trình OCOP đem lại đã và đang làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân nông thôn thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền; góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nguồn nội lực quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM)…
Bánh sắn Phong Châu – sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023, tham gia quảng bá, giới thiệu tại chương trình Không gian “Sắc Xuân Đất Tổ – Chào Xuân Giáp Thìn 2024”
Khẳng định giá trị sản phẩm
Phú Thọ – vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt, cái nôi của nền văn minh lúa nước, là nơi sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, phong phú đa dạng từ miền núi đến đồng bằng. Nắm bắt lợi thế vùng nông nghiệp trung du, nhiều năm nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển những sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực, có thế mạnh và mang dấu ấn văn hóa của địa phương; triển khai nhiều mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP nhằm hướng tới mục tiêu chung là kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2019, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt thông qua số lượng sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tăng dần qua các năm (năm 2020: 28 sản phẩm; năm 2021: 50 sản phẩm; năm 2022: 61 sản phẩm; năm 2023: 109 sản phẩm).
Chương trình đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và thực hiện có kết quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 237 sản phẩm được chứng nhận sao OCOP. Trong đó, 85% sản phẩm được công nhận OCOP thuộc nhóm ngành thực phẩm. Một số sản phẩm đã trở thành “thương hiệu” gắn liền với các địa danh như: Trà đinh cao cấp Hoài Trung (Thanh Ba); mì gạo Hùng Lô, gạo giống Nhật J02 (TP.Việt Trì); bưởi Bằng Luân, bưởi sửu Chí Đám (Đoan Hùng); trà Đá Hen hảo hạng (Cẩm Khê); gạo nếp gà gáy Mỹ Lung (Yên Lập); hồng không hạt Gia Thanh (Phù Ninh)…
Là một trong những chủ thể tham gia Chương trình OCOP năm đầu tiên, sản phẩm “Mì gạo Hùng Lô sinh ra từ làng” và “Mì gạo Hùng Lô loại đặc biệt” của HTX Mì gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP.Việt Trì) hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến với chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Ông Cao Đăng Duy – Giám đốc HTX Mì gạo Hùng Lô cho biết: “HTX hiện có ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: Mì gạo Hùng Lô sinh ra từ làng, Mì phở Hùng Lô loại đặc biệt và Mì gạo Hùng Lô loại đặc biệt. Kể từ khi được chứng nhận sao OCOP, giá trị các sản phẩm của HTX đều gia tăng từ 1,5 đến hai lần so với trước đây. Chương trình đã tạo ra hướng đi mới, hiệu quả hơn trong quy trình sản xuất, kinh doanh của HTX, giúp sản phẩm tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có đủ điều kiện để tham gia vào hệ thống các siêu thị và cơ hội để vươn ra thị trường xuất khẩu… Hiện, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã “đứng vững” tại các hệ thống siêu thị lớn như: WinMart, CoopMart… cùng nhiều đại lý bán lẻ, cửa hàng tạp hóa trên toàn quốc. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi thông qua các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, giaothuong.net.vn… Năm 2022, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã được xuất bán sang thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội để thương hiệu nông sản truyền thống của địa phương vươn xa…”.
Hợp tác xã chè Thành Nam, Thị trấn Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn) tập trung sản xuất, cải tiến mẫu mã các sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường
Phát triển “chiều sâu”
Chương trình OCOP tại Phú Thọ, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đây là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn, đa ngành, đa lĩnh vực, do vậy việc nhận thức và hiểu đúng về chương trình ở một số địa phương hiện vẫn còn hạn chế, thiếu chủ động trong quá trình tổ chức triển khai. Hiện, toàn tỉnh còn 99/225 xã, phường, thị trấn chưa có sản phẩm OCOP; tại một số địa phương, tỉ lệ xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP vẫn còn thấp.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn chủ yếu là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; có khá nhiều sản phẩm OCOP tương tự nhau nhưng sản phẩm sạch, chất lượng cao cung cấp cho thị trường còn hạn chế; các sản phẩm chủ lực đa phần sản xuất theo quy mô nhỏ, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục….; một số sản phẩm OCOP sau khi được công nhận chưa phát huy được hiệu quả bền vững, số sản phẩm đến thời hạn đánh giá lại, vì nhiều lý do khác nhau không được các chủ thể quan tâm, làm hồ sơ công nhận lại đang chiếm tỉ lệ khá cao,…
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu phát triển, tiêu chuẩn hóa thêm 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên. Trong đó có 67 sản phẩm mới hạng 3 sao; bốn sản phẩm mới hạng 4 sao; bảy sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; hai sản phẩm nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Lũy kế hết năm 2024, toàn tỉnh có 305 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Phát triển mới 45-50 tổ chức, chủ thể có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP… |
Tại Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn – Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, Chương trình phát triển OCOP cần hướng tới sản phẩm kết tinh từ tài nguyên bản địa, công nghệ, tạo ý tưởng khởi nghiệp, tuyệt đối không được dễ dãi trong việc chấm thẩm định sản phẩm OCOP. Hơn nữa, chúng ta cần biết rằng tạo ra sản phẩm đã khó, nhưng đưa sản phẩm ra thị trường lại càng khó, phát triển bền vững khó hơn nữa.
Xác định rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn, thời gian qua, để Chương trình OCOP được triển khai theo hướng thực chất, hiệu quả, thích nghi với yêu cầu nền kinh tế hàng hoá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tích cực tuyên truyền cho người dân và đội ngũ cán bộ quản lý hiểu về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP và nắm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện chương trình; đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các chủ thể tham gia; tổ chức khảo sát, đánh giá và tư vấn để các chủ thể nâng cấp sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP,… và đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm, đa dạng hoá thị trường phân phối tiêu thụ sản phẩm OCOP của các địa phương.
Năm 2023, Phú Thọ bắt đầu thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng mới này đã hướng OCOP vào chiều sâu, nâng cao vai trò cấp xã, huyện trong triển khai chương trình, giao quyền đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao về cấp huyện; tạo động lực để các chủ thể OCOP phát triển và hoàn thiện sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, phấn đấu để sản phẩm được đánh giá ở sao cao hơn…
Đồng chí Vũ Quốc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, OCOP mở rộng một số nhóm ngành sản phẩm mới như sinh vật cảnh, động vật cảnh, cụ thể hóa điểm du lịch nông thôn… Đây là những nhóm ngành sản phẩm có nhiều tiềm năng trong phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, để góp phần đa dạng hoá các sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền; góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, Chi cục sẽ tập trung phát triển làng nghề nông thôn với các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh, có giá trị kinh tế cao; gắn sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống của tỉnh để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tiếp tục rà soát các làng có nghề và làng nghề đạt các tiêu chí để công nhận, đặc biệt là các làng nghề sinh vật cảnh; huy động các nguồn lực, hỗ trợ các điều kiện quảng bá và phát triển khu, điểm tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, làng nghề…”.
Mai Bích
Báo Phú Thọ – baophutho.vn