Người nước ngoài tìm hiểu về sản phẩm Chè Long Cốc tại Tiệc trà di sản – Hương vị Đất Tổ tổ chức tại Thủ đô Hà Nội
Thị trường tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm OCOP
Tại Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức cuối năm 2023, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đều có dư địa lớn để tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Theo đó, hàng trăm triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến và đi, luân chuyển qua các tỉnh, thành mỗi năm là một thị trường lớn để tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Thực tế cho thấy, lợi thế của ngành du lịch là người tiêu dùng tự đến với các thị trường cung cấp sản phẩm. Hàng hoá không cần xuất khẩu ra nước ngoài hay vận chuyển đến các địa phương, thay vào đó khách hàng từ các nơi khác chủ động đến với vùng miền để trải nghiệm, mua sắm. Nếu sản phẩm OCOP tại địa phương không chỉ mang tính thương mại đơn thuần, mà còn mang yếu tố văn hóa, tri thức bản địa thì chắc chắn sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn, kích cầu cả du lịch lẫn nông nghiệp, mang lại giá trị phát triển kinh tế cao cho các địa phương.
Phú Thọ là tỉnh có điều kiện tự nhiên đa dạng, sở hữu nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như phát triển các sản phẩm OCOP. Sau một thời gian tích cực triển khai, đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 237 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên với 161 chủ thể tham gia. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống và thủ công mỹ nghệ với 1 sản phẩm được xếp hạng 5 sao, 54 sản phẩm hạng 4 sao và 182 sản phẩm hạng 3 sao. Chính vì sự gia tăng nhanh chóng số lượng sản phẩm OCOP nên càng cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại.
Hơn hết, tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách. Một phép tính đơn giản, chỉ cần lượng khách này mua các sản phẩm OCOP đã đem lại hiệu quả tiêu thụ rất cao. Hơn nữa, du lịch chính là một kênh quảng bá, giới thiệu hữu hiệu dành cho sản phẩm OCOP. Qua hoạt động du lịch và khách du lịch, các sản phẩm này sẽ lan tỏa đi nhiều nơi.
Ở chiều ngược lại, sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách du lịch đến địa phương. Vì vậy, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch là một trong những hướng đi khả quan, mang lại hiệu quả tích cực.
Đơn cử tại Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hoá – Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024 được xác định là một trong những nội dung quan trọng của sự kiện. Hội chợ được tổ chức với quy mô trên 350 gian hàng, trong đó có hơn 100 gian hàng triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Hội chợ đã tạo điều kiện cho du khách về thăm viếng Đền Hùng tiếp cận, lựa chọn và mua sắm các sản phẩm OCOP địa phương chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần tiêu thụ sản phẩm và kích cầu tiêu dùng.
Hay cũng với cách giới thiệu, quảng bá này, 6 tháng đầu năm, hàng loạt sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã có mặt tại các gian hàng của tỉnh trong khuôn khổ Lễ hội Tết Việt Nam năm 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024, Lễ hội Văn hóa, Du lịch và ẩm thực quốc tế Hà Giang lần thứ I, năm 2024; Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Ha Noi 2024, Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024… cùng nhiều diễn đàn liên kết, phát triển du lịch vùng, hội nghị xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, tại sự kiện Tiệc trà di sản – Hương vị Đất Tổ do UBND tỉnh tổ chức trong khuôn khổ Chương trình hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội, nhiều sản phẩm OCOP và các sản vật đặc trưng của Đất Tổ đã được giới thiệu đến tận tay các đại biểu và khách mời đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều sản phẩm sau đó đã có mặt trong “túi quà” của các đại biểu quốc tế khi về nước.
Du khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm OCOP của huyện Thanh Thủy tại Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024
Mở đường vào thị trường du lịch
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, lợi thế của du lịch là người tiêu dùng tự đến với các thị trường cung cấp sản phẩm để trải nghiệm và mua đặc sản, bởi vậy, việc tập trung phát triển hệ thống gian hàng, điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương trên địa bàn, nhất là gần hoặc trong các khu du lịch là hướng đi cần thiết.
Như tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của huyện Thanh Thủy, thường xuyên đón tiếp du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng dịp cuối tuần và ngày lễ, tết, Điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP đã được đặt ngay tại cổng Khu du lịch với đội ngũ nhân viên túc trực 24/24h phục vụ du khách tham quan, mua sắm.
Đến nay, các sản phẩm OCOP tại đây đã góp phần tạo nên điểm nhấn đặc biệt của Khu du lịch. Đồng thời, với chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, các sản phẩm đã tạo nên sự an tâm và tin tưởng, góp phần giải bài toán tìm mua đặc sản địa phương về làm quà của du khách.
Chị Vũ Thanh Xuân – Phụ trách Điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh cho biết: “Gian hàng của chúng tôi bày bán rất nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh và huyện. Đặc biệt, toàn huyện hiện có 17 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên, đều đã có mặt trên kệ hàng. Vì vị trí thuận lợi, lượng tiêu thụ các sản phẩm tại đây rất tốt, nhất là các sản phẩm đặc trưng như Tương làng Bợ, Thịt chua Thanh Sơn, Trà Matcha Maika, Trà xanh Sencha…”.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP gồm: TP Việt Trì 3 điểm, huyện Tam Nông 3 điểm, huyện Tân Sơn 2 điểm, các huyện khác 1 điểm. Các địa điểm này được đặt ở những vị trí thuận lợi, đắc địa, không gian rộng rãi, nằm ở trung tâm phố, huyện, thị. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm, mà còn là cầu nối, là điểm kết nối du lịch góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi những nông sản ưu thế của mỗi vùng miền, địa phương.
Ngoài những điểm bán và giới thiệu sản phẩm trên, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh đã lựa chọn những địa điểm có lượng lớn khách du lịch tham quan để hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP của chính địa phương đó như Đình Hùng Lô (TP Việt Trì), Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hoà), Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn)…
Tại các điểm này, Trung tâm đã vận động, khuyến khích bà con mang sản phẩm nông sản đặc trưng và sản phẩm có tiềm năng của địa phương ra bày bán, thu được hiệu quả rất tích cực, trở thành lựa chọn ưa thích của khách du lịch như: Thịt chua Thanh Sơn, bánh chưng Đất Tổ, rau sắn Cẩm Khê, tương Cao Xá, xôi ngũ sắc Xuân Sơn, bánh sắn Phù Ninh, gà ủ muối Tân Sơn, chè Long Cốc, chè Búp Tím, chè Hoài Trung…
Hiện Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc lồng ghép việc tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở làng nghề vào các tour, tuyến du lịch khi quảng bá, giới thiệu với các hãng lữ hành, nhằm hướng du khách tới việc tìm hiểu quy trình sản xuất của sản phẩm, tạo niềm tin và thúc đẩy tiêu thụ tại địa phương bởi sản phẩm làm ra chính là vật thể minh chứng cho những khám phá, trải nghiệm của khách du lịch. Mô hình này đang mang lại hiệu quả rõ rệt đối với các sản phẩm OCOP như: Mỳ gạo Hùng Lô, Thịt chua Thanh Sơn, Chè Long Cốc, Bánh chưng Đất Tổ…
Đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch là một trong những giải pháp tạo đầu ra cho nông sản, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, cần sự hợp tác và liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa ngành du lịch và chủ thể OCOP, khi đó sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại là một hàng hoá, mà còn là nhân tố tạo động lực phát triển hài hoà giữa văn hoá, du lịch và nông nghiệp.
Phương Thúy
Báo Phú Thọ – baophutho.vn