HTX sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Bio Gold khu 7, xã Thanh Uyên có 2 sản phẩm Đông trùng hạ thảo và trà Đông trùng hạ thảo-cà gai leo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP để mọi người dân, tổ chức kinh tế – xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn về ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá thương mại sản phẩm OCOP cho cán bộ triển khai chương trình cấp huyện và các chủ thể tham gia chương trình tại các địa phương; kiểm tra định kỳ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các mô hình, đánh giá hiệu quả của chương trình đem lại.
Huyện tập trung hỗ trợ người dân đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện để nâng cao giá trị sản phẩm. Thực hiện các giải pháp thúc đẩy liên kết trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung củng cố, nâng cấp các sản phẩm tham gia OCOP đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm theo quy định. Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, huyện tập trung hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp, phát triển các sản phẩm OCOP có lợi thế như: Dưa lê, dưa leo baby, tầm gửi gạo, cá thính, mật ong, nấm Đông trùng hạ thảo… để tham gia đánh giá ở hạng sao cao hơn.
Đối với sản phẩm tiềm năng như: Gà đồi Lam Sơn, trứng gà, dưa chuột Nhật, chuối tây, chè, các sản phẩm từ sen… tiến hành tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm, đặc biệt sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, từ đó tập trung ưu tiên hỗ trợ, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, phát triển, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản, chủ lực, có thế mạnh theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ phát triển các làng nghề nông thôn gắn với dịch vụ du lịch như du lịch trang trại sinh thái, du lịch trải nghiệm cảnh quan tại 2 điểm là đầm sen – rừng cọ – đồi chè tại xã Dị Nậu, du lịch trải nghiệm văn hóa phi vật thể như “Làng cười Văn Lang” xã Vạn Xuân, hát Ghẹo làng Nam Cường…Tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm thông qua hình thức tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; xây dựng điểm, trung tâm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cấp huyện; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, hội chợ online…
Cùng với đó, huyện cụ thể hóa các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh có liên quan đến chương trình để xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Tập trung hỗ trợ các chủ thể mua máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, thuê cán bộ kỹ thuật tập huấn cho người tham gia; hỗ trợ xây dựng logo, nhãn hiệu sản phẩm, in ấn tem nhãn, bao bì sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm (QR code); thực hiện chính sách thưởng sản phẩm đạt OCOP. Trong giai đoạn 2021-2023, UBND huyện đã trình và được UBND tỉnh công nhận 13 sản phẩm hạng 3 sao của 11 chủ thể. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2023 hơn 1,3 tỷ đồng.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của Tam Nông đã thúc đẩy, nâng cao năng lực của các chủ thể OCOP, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã. Các sản phẩm truyền thống, chủ lực, đặc trưng của địa phương dần được khôi phục, nhân rộng và phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị sản phẩm được nâng cao, xây dựng được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đây là giải pháp quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Phương Thảo
Báo Phú Thọ – baophutho.vn