Thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn, toàn huyện hiện có 20 sản phẩm OCOP của 2 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã (HTX), 2 hộ kinh doanh. Trong đó, có 19 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm du lịch cộng đồng. Năm 2023, huyện Phong Thổ đề ra mục tiêu xây dựng 8 sản phẩm OCOP. Trong đó, đánh giá mới 3 sản phẩm gồm: nho mẫu đơn Phong Thổ, nho hạ đen Phong Thổ, măng tây Phong Thổ; đánh giá lại 5 sản phẩm được công nhận từ năm 2020 gồm: Trà xanh, Hồng Trà, Hoàng Trà Shan Mồ Sì San, gạo tẻ râu Phong Thổ, Du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng 8 sản phẩm OCOP trong năm nay, huyện chú trọng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP như: lồng ghép với các chương trình hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước và Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 -2025 và các chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất và vốn để xây dựng sản phẩm; phân công cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể các thủ tục hành chính trong đăng ký và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tư vấn mẫu mã, bao bì để xây dựng sản phẩm OCOP mới và hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đánh giá lại.
Phối hợp các ban, ngành tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia chương trình giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, kết nối cung – cầu bằng các hình thức như: trưng bày sản phẩm OCOP tại các hội nghị, điểm du lịch cộng đồng, hội chợ trong và ngoài huyện; kêu gọi các siêu thị, cửa hàng hỗ trợ các chủ thể trưng bày và tiêu thụ sản phẩm. Nhất là xây dựng, quản lý, hỗ trợ các chủ thể tiếp cận, kết nối với các kênh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên các hệ thống thương mại điện tử.
Công nhân Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu kiểm tra sự phát triển của cây măng tây nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của chương trình OCOP
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể về nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu; đăng ký và công bố sản phẩm, tư vấn luật, quản lý sản xuất bằng hệ thống tem điện tử thông minh (QR Code); quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm.
“Với mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP trên thế mạnh của địa phương, huyện chú trọng tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng các khâu từ sản xuất tới thành phẩm và phải đặt chất lượng lên hàng đầu để mỗi sản phẩm OCOP không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn mang “sứ mệnh” tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với văn hóa truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của các dân tộc trên địa bàn huyện tới các tỉnh, du khách thập phương. Vì vậy, không chỉ chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP mà huyện còn tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt sao OCOP. Qua đó, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động nhằm tránh trường hợp khi đánh giá, chấm điểm thì đạt còn sau đó thì không. Và, cũng từ đó có những giải pháp phát triển sản phẩm và hỗ trợ chủ thể phù hợp” – Anh Nguyễn Cảnh Đức – Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết.
Ba sản phẩm đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP mới trong năm nay gồm: nho mẫu đơn Phong Thổ, nho hạ đen Phong Thổ, măng tây Phong Thổ đều của Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu. Anh Ngô Mạnh Luân – cán bộ kỹ thuật Công ty chia sẻ: Để sản xuất được các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP Công ty chú trọng các khâu trong sản xuất: không sử dụng phân bón hoá học mà tự sản xuất phân bón hữu cơ từ phân trùn quế để kích thích sự tăng trưởng của cây trồng và sử dụng các chế phẩm sinh học từ cây xoan nâu để phòng trừ sâu bệnh. Trong quá trình thực hiện đăng ký sản phẩm OCOP Công ty luôn được cán bộ NN&PTNT huyện hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục. Hiện, Công ty đã gửi mẫu măng tây, nho hạ đen để hoàn tất các thủ tục đánh giá. Đối với nho mẫu đơn đang chờ thu hoạch, dự kiến cuối tháng này nho chín sẽ đánh giá.
Các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Dương Yến (thị trấn Phong Thổ) được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn
Hợp tác xã Dương Yến (thị trấn Phong Thổ) là một trong những hợp tác xã có nhiều sản phẩm đã đạt OCOP như: ruốc cá hồi, cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc. Với mong muốn phát triển thêm sản phẩm OCOP, hiện HTX cũng đang đầu tư sản xuất sản phẩm cá hồi hun khói và sẽ dự kiến đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP vào năm 2024.
Dự kiến đầu tháng 12 sẽ tổ chức đánh giá, chấm điểm các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2023. Hy vọng với những giải pháp thiết thực, chương trình OCOP trên địa bàn huyện sẽ là “đòn bẩy” để Phong Thổ phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp và các sản phẩm OCOP của huyện sẽ ngày càng vươn xa, đưa kinh tế địa phương có thêm bước tiến vững chắc, góp phần giảm nghèo.
Vương Trang
Báo Lai Châu – baolaichau.vn