Mặc dù nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa hiện nay của Hà Nội không còn nhiều, nhưng đây vẫn là một trong những thế mạnh của làng nghề Thủ đô, với những sản phẩm tơ tằm độc đáo, mang đặc trưng và dấu ấn riêng.
Theo Sở NN&PTNT, Hà Nội là địa phương có điều kiện tự nhiên, xã hội tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Các địa phương ven sông từ lâu đã có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm, vượt qua nhiều khó khăn trong việc xây dựng phát triển vùng nguyên liệu, lựa chọn cây giống, con giống, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, tiêu thụ sản phẩm… Hà Nội đã hình thành được vùng trồng dâu, làng nghề nuôi tằm tập trung chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và gắn sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chăn nuôi, thu mua, ươm tơ, kéo sợi đến thành phẩm và tiêu thụ, điển hình là làng nghề Phùng Xá, huyện Mỹ Đức.
Phùng Xá được coi là cái nôi của nghề trồng dâu – nuôi tằm, dệt lụa với truyền thuyết về công chúa Thiều Hoa, người có công truyền dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho nhân dân. Làng nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi, những năm 1970 – 1980, được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc, với các mặt hàng tơ lụa được xuất sang các nước Đông Âu. Thời điểm đó, mỗi gia đình thường có từ 1 đến 4 khung dệt. Các hộ thường lấy nguyên liệu về nhà dệt, nhuộm, sau đó giao lại cho cơ sở để cắt và may hoàn thiện sản phẩm. Những sản phẩm lụa tơ tằm được làm thủ công, chất lượng và đa dạng màu sắc là những sản phẩm tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn, với trí tuệ của người thợ dệt lụa Phùng Xá.
Trải qua rất nhiều thăng trầm theo thời gian, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của Phùng Xá ngày một mai một, đến nay làng nghề Phùng Xá, chỉ còn có một doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, đó là Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức của bà Phan Thị Thuận, hàng năm công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động của xã, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Bà Thuận đã phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ thành một quy trình sản xuất khép kín, độc đáo và bà Thuận trở thành người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Các sản phẩm từ lụa tơ tằm, tơ sen như: Khăn lụa tơ tằm, khăn lụa tơ sen, chăn bông tơ tằm của bà Thuận đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao năm 2020 (sản phẩm cấp quốc gia – hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP).
Ngoài ra, Hà Nội còn có làng lụa Vạn Phúc quận Hà Đông, đây là một làng nghề dệt lụa truyền thống của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP. Hà Nội. Nguyên liệu tơ thu gom về đây phục vụ cho dệt lụa và sản phẩm được bán ngay tại làng cho tư thương và khách du lịch trong nước, nước ngoài.
Vạn Phúc là làng dệt lụa truyền thống được hình thành và phát triển từ năm 868 đến nay. Với bề dày truyền thống hơn 1.000 năm, làng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn hoạt động duy trì đến ngày nay”.
Với số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh là 284 cơ sở với khoảng 1.500 lao động, trong đó vừa sản xuất vừa kinh doanh là 128 cơ sở, chuyên kinh doanh là 156 cơ sở; làng nghề có 6 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc. Các sản phẩm dệt của Vạn Phúc có một số sản phẩm vải lụa đặc sắc, riêng có của làng nghề, được người tiêu dùng đánh giá cao như: Lụa hoa, lụa trơn, lụa vân, gấm, đũi,… ngoài ra còn có các sản phẩm lưu niệm khác như: Khăn quàng các loại, cavat, túi, ví…. Do vậy nhu cầu sử dụng tơ của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc để sản xuất là rất lớn.
Sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập với Hà Nội thì diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng lên, cùng với đó diện tích đất trồng dâu cũng tăng 250% từ 200 ha lên 500 ha. Tính trung bình từ năm 2009 đến năm 2011, mỗi năm Hà Nội duy trì 400 ha diện tích trồng dâu tập trung tại các huyện Mỹ Đức, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất…; sản xuất được 220 tấn kén, chế biến khoảng 22,5 tấn tơ các loại, dệt sản lượng đạt 18 nghìn mét lụa đem lại thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nhàn rỗi, lao động là phụ nữ, người nghèo, khai thác tốt tiềm năng sẵn có của địa phương và góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Đến nay, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội dần bị thu hẹp, theo đó diện tích trồng dâu nuôi tằm cũng giảm nhiều. Từ năm 2019 đến nay, diện tích trồng dâu của Hà Nội còn 17 – 22 ha, tập trung tại các địa phương: Phùng Xá – Mỹ Đức, Hiệp Thuận – Phúc Thọ, Dương Liễu – Hoài Đức. Năng suất cho sản phẩm đạt 230 – 237 tạ/ha. Năng suất kén trung bình đạt 0,84 tấn/ha. Sản lượng kén tằm đạt từ 8-66 tấn/năm (năm 2022 đạt 12 tấn, năm 2020 đạt cao nhất 66 tấn, năm 2021 đạt 8 tấn).
Tuy nhiên, hiện nay, việc quan tâm phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, trong đó có sản xuất dâu tằm chưa được chú trọng, tiềm năng chưa được khai thác, việc khuyến khích phát triển, đầu tư và hỗ trợ về mọi mặt như chính sách, kỹ thuật nuôi trồng, giống dâu, giống tằm… còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu (tơ tằm) để phục vụ sản xuất lụa phải mua, thu gom ở các vùng nguyên liệu khá xa. Nguyên liệu chỉ sản xuất được theo mùa vụ, lại phụ thuộc thời tiết, khí hậu; để duy trì sản xuất lụa thường xuyên tại các làng nghề thì các cơ sở cần phải thực hiện dự trữ nguyên liệu tơ, việc này đòi hỏi kinh phí lớn (mua nguyên liệu, mặt bằng, kho xưởng,…); trong khi đó, các cơ sở sản xuất lụa chủ yếu là hộ kinh doanh, vốn kinh doanh còn hạn hẹp.
Vì vậy, ngành nông nghiệp Thủ đô mong muốn Bộ NN&PTNT có chính sách, quy hoạch, phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm tại các tỉnh thành miền Bắc để cung cấp nguyên liệu ổn định, thường xuyên cho các làng nghề dệt lụa tơ tằm, trong đó có Vạn Phúc, Phùng Xá. Đồng thời tạo thị trường nguyên liệu tơ tằm trong nước cạnh tranh, giá cả hợp lý; giới thiệu các tổ chức quốc tế và trong nước doanh nghiệp, công ty chế biến, sản xuất tơ tằm tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất phát triển dâu tằm trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ quảng bá tiêu thụ các sản phẩm sản xuất từ tơ tằm, tơ sen đến với thị trường trong nước và quốc tế.
Tăng cường công tác Khuyến nông, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng dâu, nuôi tằm, trồng sen để khai thác tơ. Phát triển sản xuất dâu, tằm theo hướng liên kết chuỗi (hiệp hội, HTX, tổ đội…), truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chủ động sản xuất để cân đối cung – cầu.
Thiện Tâm
Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – https://thanglong.chinhphu.vn/