Thời gian tới, huyện Hiệp Đức cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ. Ảnh: PV
Theo lãnh đạo huyện Hiệp Đức, để thực hiện tốt chương trình OCOP, địa phương kịp thời tổ chức quán triệt và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Thành lập hội đồng, tổ giúp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành phụ trách từng nội dung, bộ tiêu chí OCOP của tỉnh để hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể sản xuất. Đặc biệt, triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả chu trình OCOP thường niên; tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp thế mạnh trên địa bàn.
Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Hiệp Đức lập kế hoạch triển khai bài bản chương trình OCOP. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia thực hiện chương trình theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, vừa quan tâm nâng cấp sản phẩm hiện có; không chạy theo số lượng, sản xuất phải lấy thị trường làm mục tiêu phát triển.
Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh phân bổ, trong giai đoạn 2018 – 2023 bình quân mỗi năm huyện chi 500 triệu đồng cho việc thực hiện chương trình OCOP.
Phần lớn nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể đầu tư mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến…
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn Hiệp Đức có tổng cộng 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Mới đây, hội đồng thẩm định của huyện đã tiến hành họp đánh giá và đề nghị UBND huyện công nhận thêm 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023.
Mặc dù đạt kết quả khả quan nhưng việc thực hiện chương trình OCOP ở Hiệp Đức vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Tấn Nghiệp nhìn nhận, hầu hết chủ thể sản phẩm OCOP đều hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô để tăng sản lượng sản phẩm.
Công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại của nhiều chủ thể chưa tốt nên sản phẩm chưa đến với khách hàng. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, năng lực làm hồ sơ của các chủ thể còn hạn chế, chưa tâm huyết trong việc tham gia chương trình OCOP nên tiến độ thực hiện chậm. Thậm chí, có những chủ thể sau khi đăng ký đã bỏ nửa chừng, không thực hiện…
Trung Vĩnh
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn