Tới thăm mô hình dưa lưới (giống Huỳnh Long) công nghệ cao của gia đình anh Hoàng Văn Trang (xóm 6, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ai cũng phải trầm trồ. Màu vàng óng ả của những trái dưa sắp chín, mọng nước, thơm lừng báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Bén duyên với giống dưa Huỳnh Long
Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường nên dịch bệnh trên cây trồng diễn biến khó lường. Để hạn chế tối đa dịch bệnh thì việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang trở thành lựa chọn của nhiều nông dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc, tiêu biểu là mô hình trồng dưa lưới Huỳnh Long nức tiếng thơm ngon ở Nghi Phong.
Một chiều tháng 6 miền Trung bỏng rát, chúng tôi tới thăm mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh Hoàng Văn Trang (xã Nghi Phong).
Trò chuyện tại vườn về mô hình dưa lưới, về giống, hệ thống nhà màng…, mới thấy rằng, để có được quả ngọt cũng chẳng dễ dàng gì. Rảo bước dọc các luống dưa, anh Trang cho biết, hệ thống nhà màng có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Anh luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học. Bởi thế, sản phẩm luôn đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Mô hình dưa lưới công nghệ cao của gia đình anh Trang
Anh chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng và không bị lãng phí nguồn nước tưới.
Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt có vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng bù lại, mô hình cho thu nhập ổn định. Có thể canh tác 2 vụ/năm vì thời gian sinh trưởng của dưa lưới ngắn ngày, khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh.
Nói về giống dưa Huỳnh Long, anh Trang tự thấy mình có duyên. Bởi, qua nhiều lần trồng các giống dưa lưới trong nhà màng khác đều không đạt hiệu quả. Qua vài lần tìm hiểu trên truyền thông, báo đài, anh đặt niềm tin vào giống dưa nhập ngoại có nguồn từ gốc Malaysia này.
Giá bán lẻ 50.000 đồng/kg
Vụ này, gia đình anh trồng 6.000 gốc dưa lưới Huỳnh Long trên diện tích hơn 5.000m2, mỗi hạt giống có giá 5.000 đồng. Sau 70 – 80 ngày trồng thì cho thu hoạch. Thời điểm thu hoạch, mỗi quả đạt 1,8 – 2,2kg. Vụ này anh thu được 9 tấn dưa, thương lái thu mua tại vườn với giá 30.000 – 40.000 đồng/kg, giá bán lẻ 50.000 đồng/kg.
Dưa lưới Huỳnh Long có vỏ màu vàng, vân lưới mỏng nhẹ, trái hình bầu dục, ruột dưa màu cam nhạt, thịt giòn tan và độ ngọt khá cao, mùi thơm, nhiều nước chứ không giòn khô như các giống dưa lưới giòn khác.
Anh Trang tâm sự, thành công bước đầu của mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là động lực để anh mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây cũng là cơ hội giúp bà con quanh vùng học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến để làm nông nghiệp sạch, giúp làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Kết hợp du lịch trải nghiệm
Nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp – dịch vụ, giúp người nông dân gắn bó với nông thôn.
Du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại là hình thức “xuất khẩu” hàng hóa nông nghiệp tại chỗ hiệu quả và người mua được tiếp cận tận gốc sản phẩm, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, không gian cộng đồng làng quê và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
Người dân và du khách thử dưa tại vườn
Nắm bắt được xu thế, thời gian tới, gia đình anh Trang dự định mở rộng vườn dưa kết hợp du lịch trải nghiệm để thu hút nhiều hơn khách tham quan, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái ở địa phương.
Anh Trang chia sẻ: Bước đầu, sản phẩm dưa lưới Huỳnh Long không chỉ cung ứng ra thị trường trong huyện Nghi Lộc và tỉnh Nghệ An, mà còn vươn ra các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, mô hình còn phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm trên địa bàn. Người dân và du khách không chỉ tham quan, trải nghiệm mà còn có thể ăn thử dưa tại vườn. Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình dưa lưới công nghệ cao của anh đã đón hàng chục đoàn đến tham quan và trải nghiệm.
Anh mong muốn hình thức du lịch nông nghiệp này sẽ giúp du khách hiểu thêm quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhận thấy rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Nghi Lộc đã ban hành Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, huyện có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất được quan tâm thực hiện.
Có thể khẳng định, mô hình công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng, mang lại giá trị kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp huyện Nghi Lộc.