Làm du lịch tử tế
Sau hơn 6 tháng thử nghiệm và vận hành, hành trình biến rác thành sản phẩm du lịch của Mekong Silt Ecolodge (huyện Phong Điền) trở thành câu chuyện hấp dẫn đông đảo du khách. Tại đây, rác được tái sử dụng, tạo ra các sản phẩm giá trị. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Chúng tôi làm du lịch kết hợp kinh tế xanh với định hướng xây dựng mô hình tuần hoàn triệt để, dựa trên tài nguyên bản địa. Câu chuyện về rác cũng được khai thác theo hướng này, với cốt lõi là làm tăng giá trị tài nguyên bản địa đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, vừa mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách, lại góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ sức khỏe và môi trường”. Theo đó, du khách sẽ có những trải nghiệm như tham gia workshop làm xà phòng, nước rửa chén, nước lau sàn… hay làm phân bón, thuốc trừ sâu từ rác hữu cơ; thưởng thức “bữa ăn bền vững”.
Các sản phẩm xà phòng, nước lau sàn, rửa chén làm từ rác thải hữu cơ tại Mekong Silt Ecolodge
Chị Nguyễn Thị Hồng Đoan, nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge, chia sẻ: “Mekong Silt Ecolodge có 4 giải pháp để làm du lịch bền vững, đó là: từ chối nguyên liệu ngoại nhập, sử dụng nguyên liệu bản địa, tái chế và thải bỏ có trách nhiệm”. Theo đó, để hạn chế rác thải (đặc biệt là rác thải nhựa), ngay từ đầu các nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge đều được tập huấn sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, đi chợ đều sử dụng giỏ lớn, tái sử dụng nhiều lần. Từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho nhân viên và góp phần lan tỏa điều này đến người dân xung quanh. Tại đây tiến hành phân loại rác và tùy theo rác hữu cơ hay vô cơ sẽ có những phương pháp xử lý phù hợp.
Đối với rác hữu cơ sẽ được phân loại theo các cơ chế khác nhau và tái chế thành những sản phẩm như xà phòng, nước rửa chén, nước lau sàn, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học… Chị Nguyễn Thị Hồng Đoan giải thích thêm về “bữa ăn bền vững”, tức là có sự liên kết tận dụng triệt để các nguyên liệu. Các món ăn này được thiết kế phù hợp theo tiêu chuẩn: khai vị, món chính, tráng miệng… lại đảm bảo tính liên kết và hạn chế dư thừa nguyên liệu. Ví như có thể sử dụng những đoạn sả, hay cà rốt dư ở món trước để làm muối chấm, nước sốt cho các món kế tiếp. Trong khi đó, dầu ăn thừa sẽ được tận dụng để làm xà phòng, nước rửa chén, nước lau sàn. Các rác thải từ vỏ trái cây được tận dụng làm phân bón hoặc làm đồ ăn cho cá, gà được nuôi ở nông trại gần đó. Đàn gà tại đây được gọi là Happy Chicken, được tạo không gian sống và thức ăn tự nhiên gần gũi thiên nhiên. Đàn gà Happy Chicken và vườn rừng (mô hình rau vườn thuận tự nhiên) là những sản phẩm tự cung tự cấp cho khu nghỉ dưỡng, tạo ra những bữa ăn lành, dinh dưỡng cho du khách.
Trong khi đó, với rác vô cơ, Mekong Silt Ecolodge sẽ có xu hướng tái sử dụng, bằng cách tổ chức các cuộc thi cho nhân viên sáng tạo những vật dụng thường dùng từ nguyên liệu bỏ đi, ví như đèn đường từ vỏ chai rượu vang, hay chậu hoa tái chế… Tất cả những sản phẩm này đều được trưng bày, sử dụng lại một cách phù hợp và sáng tạo trong khuôn viên của khu nghỉ dưỡng. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, nói: “Quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mời các chuyên gia về du lịch bền vững về tập huấn, thực nghiệm và kiểm tra nghiêm khắc từng giai đoạn. Đến nay, nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge và cả du khách đến trải nghiệm tại đây đều có sự nâng cao nhận thức về trách nhiệm với môi trường. Chúng tôi có những phiếu điều tra ghi nhận cảm xúc của du khách khi trải nghiệm những hoạt động này, phần lớn đều hài lòng và cảm thấy tự hào vì góp sức đền đáp lại thiên nhiên. Tôi cảm thấy tự tin và hạnh phúc về những gì đang làm. Vì khi mình làm du lịch một cách tử tế, trách nhiệm thì mới tạo được giá trị bền vững và sự lan tỏa”.
Xây dựng thương hiệu từ chất lượng bền vững
Tại Cần Thơ có nhiều đơn vị làm du lịch theo hướng bền vững, trong đó Victoria Cần Thơ được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu từ nhiều năm qua. Không chỉ đạt giải thưởng về Tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, Nhãn xanh ASEAN (Tiêu chuẩn khách sạn Xanh ASEAN của Cộng đồng ASEAN), mới đây Victoria Cần Thơ cũng vừa đạt Chứng nhận Vàng về du lịch bền vững của Travelife (Travelife là chương trình chứng nhận bền vững quốc tế trong lĩnh vực du lịch được quản lý bởi ABTA – Hiệp hội các Đại lý du lịch Anh và ANVR – Hiệp hội các Đại lý du lịch của Hà Lan). Travelife sử dụng bộ yêu cầu toàn diện được Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) công nhận, dựa trên các tiêu chuẩn chung cho du lịch bền vững mà GSTC đề ra. Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Victoria Cần Thơ, cho biết: “Victoria là chuỗi khách sạn đầu tiên được Travelife Chứng nhận Vàng tại Việt Nam. Chúng tôi đã phải tuân thủ 140 tiêu chí để được công nhận, trong đó có những yêu cầu quan trọng về môi trường, nhân quyền, hỗ trợ cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị văn hóa và di sản địa phương, phát triển kinh doanh bền vững…”.
Thực tế nhiều năm qua, Victoria Cần Thơ là điểm đến xanh nổi tiếng tại Cần Thơ và được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, cũng như các trải nghiệm đa dạng. Tại đây, các dịch vụ và trải nghiệm luôn hướng đến sự an toàn, sức khỏe và những giá trị sống xanh, có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng bản địa. Không chỉ hạn chế rác thải nhựa, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, Victoria Cần Thơ còn tích cực tổ chức và tham gia vào các hoạt động vì môi trường, như: vớt rác trên sông, kênh rạch nhân ngày Môi trường Thế giới (5-6), Ngày Du lịch Việt Nam (9-7), hay tắt đèn tiết kiệm điện Ngày Trái đất (22-4)… Một trong những điểm nhấn của Victoria Cần Thơ được du khách đánh giá cao là tích cực gia tăng trải nghiệm địa phương cho du khách. Tại đây, bên cạnh dịch vụ nghỉ dưỡng, du khách có thể tìm hiểu, khám phá qua các tour đậm chất bản địa như tham quan chợ nổi Cái Răng, cồn Sơn, xóm thúng Yên Hạ… Trong đó, Victoria Cần Thơ khuyến khích du khách sử dụng xe đạp hay các phương tiện ít gây tác động đến môi trường. Khi đến Victoria Cần Thơ vào mỗi chiều tối (từ 17h-20h) hằng ngày, du khách đều có thể tìm hiểu, xem trình diễn làm nón lá, xếp lá dừa… như là một cách gìn giữ và giới thiệu văn hóa bản địa đến khách du lịch. Theo thời điểm phù hợp, Victoria Cần Thơ có nhiều workshop ý nghĩa, như: Wellness Weekend Yoga “Sống vui – Sống khỏe”, Trồng thêm cây xanh, Cooking Class…để du khách có thể trải nghiệm rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường…
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cho thấy, trên toàn cầu, khoảng 80% người tham gia khảo sát khẳng định “Du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ”. Riêng du khách Việt, có 97% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. Bất chấp những khó khăn do kinh tế, có tới 75% du khách Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận, như một cách để bảo đảm chắc chắn họ đang góp phần tạo ra ảnh hưởng tích cực. 83% du khách Việt bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi. 79% du khách Việt Nam cho biết cảm thấy an tâm hơn khi ở tại một cơ sở lưu trú được trao chứng nhận, hoặc có huy hiệu bảo đảm cho tính bền vững.
Như vậy, ngày càng có nhiều du khách nhận thức về tác động của du lịch đối với môi trường, các cộng đồng địa phương và lựa chọn du lịch có trách nhiệm. Tiêu chí xanh ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch. Bởi vì phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, định vị thương hiệu du lịch chất lượng; đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Tại Cần Thơ, hệ thống điểm đến đạt tiêu chí về du lịch xanh hiện có: Victoria Cần Thơ, Cần Thơ Ecolodge… Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, chia sẻ: “Chúng tôi đang thực hiện các tiêu chí nghiêm ngặt theo chuẩn ASEAN với mục tiêu hướng tới là được công nhận Nhãn xanh. Từ đó góp phần tạo thương hiệu điểm đến tốt hơn”. Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc Victoria Cần Thơ, cho biết: “Chứng nhận Travelife có thời hạn 2 năm, chúng tôi phải tiếp tục duy trì những tiêu chuẩn đạt được và ngày càng quan tâm phát triển hơn, bởi lần tái thẩm định sẽ khó hơn. Khi có chứng nhận về bền vững thì điểm đến có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, do đó chúng tôi cũng mong muốn lan tỏa mô hình du lịch bền vững này, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Cần Thơ”.
Bài, ảnh: Ái Lam
Báo Cần Thơ Online – baocantho.com.vn