Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới

(TITC) - Ngày 14/7/2021, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đồng chủ trì hội thảo.


Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Internet)


Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, du lịch nông thôn nói chung được phát triển khá đa dạng với các loại hình du lịch chủ đạo là: du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.


Thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố cho thấy, có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp.


Để quản lý phát triển du lịch nông thôn, hiện nay Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Đề án sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và chất lượng; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn.


Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…



Du lịch nông nghiệp, nông thôn (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)


Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, được hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Trong thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn được đánh giá là một trong những hướng phát triển mới của du lịch Việt Nam.


Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn là rất lớn nhưng việc phát triển du lịch nông thôn cần phải gắn với quản lý, tránh rơi vào tình trạng phát triển tự phát. Do đó cần phải xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch, nguồn nhân lực để phát triển du lịch nông thôn bền vững. Thứ trưởng Trần Văn Nam nhấn mạnh, sản phẩm du lịch nông thôn cần được quan tâm đầu tư hợp lý, phù hợp với mỗi địa phương, không trùng lặp sản phẩm.


Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch du lịch nông thôn. Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, quy hoạch này cần được các địa phương xác định rõ và tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Để phát triển du lịch nông thôn bền vững cần những đánh giá cụ thể cho từng vùng miền, chẳng hạn đồng bằng sông Hồng, miền núi trung du, hay đồng bằng sông Cửu Long, bởi mỗi một khu vực lại có lợi thế, đặc điểm riêng, nên không thể trộn lẫn và phát triển chung chung.


Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Bộ NN&PTNT trong việc nghiên cứu dự án phát triển du lịch nông thôn. Về phía Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Tổng cục Du lịch và các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cùng các địa phương nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn trọng điểm, các sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu, chất lượng cao, khai thác hiệu quả nguồn lực từ Chương trình Môi trường quốc gia xây dựng nông thôn mới cho phát triển du lịch nông thôn.


Trung tâm Thông tin du lịch