Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đa dạng và văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ phong phú, lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành thế mạnh của tỉnh Kon Tum. Vì vậy, hiện nay, tỉnh đang tập trung đầu tư khai thác và phát triển lĩnh vực này.

Năm 2022, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là một trong giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thực hiện mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 18/5/2023) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thời gian qua, các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh tập trung tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa, các điểm đến du lịch nông thôn, tiềm năng phát triển loại hình du lịch cộng đồng thông qua các hoạt động cụ thể có sức lan tỏa mạnh mẽ nhằm thu hút, kết nối các nhà đầu tư, các đối tác tham gia vào lĩnh vực này như tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ du lịch, thương mại trong nước.


Du lịch nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: T.H

Các cấp, các ngành của tỉnh cũng chú trọng triển khai bảo tồn các làng văn hóa, làng nghề để phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn, góp phần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 30 làng văn hóa, điểm du lịch cộng đồng đã và đang được đầu tư xây dựng; trong đó, 12 điểm du lịch cộng đồng đã được UBND tỉnh công nhận. Toàn tỉnh đã xây dựng được 3 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch đạt tiêu chuẩn 3 sao, đó là: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); Điểm du lịch A Biu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) và Du lịch trải nghiệm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy).

Một số điểm du lịch, tour du lịch thu hút du khách đến khu vực nông thôn đã được hình thành trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng tại các địa phương như: Làng Văn hóa du lịch Kon Pring (xã Đăk Long, huyện Kon Plông), làng Văn hóa du lịch Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), điểm du lịch cộng đồng làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum).

Hiện tại, huyện Ia H’Drai cùng các ngành chức năng của tỉnh đang triển khai xây dựng mô hình du lịch làng chài Sê San gắn với bảo tồn nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sê San 4.

Huyện Tu Mơ Rông đang từng bước triển khai và hình thành các điểm du lịch cộng đồng tại xã Măng Ri gắn với tour trải nghiệm khám phá vườn sâm của người dân,  các doanh nghiệp và chinh phục đỉnh Ngọc Linh.


Du lịch nông nghiệp cũng được nhiều trường học chọn để cho học sinh tham gia trải nghiệm. Ảnh: TH

Nhằm hỗ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch nông nghiệp- nông thôn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 5 lớp tập huấn thu hút 115 lượt người tham gia. Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân về trách nhiệm, cách thức tổ chức làm du lịch đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của người dân và cộng đồng trong việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; gìn giữ văn hóa, bảo vệ môi trường… để phục vụ hoạt động du lịch nhằm khai thác tiềm năng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, để tạo không gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, các địa phương chủ động triển khai thành lập các hội quán làm du lịch, vận động các cá nhân tham gia.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 1 hội quán cùng nhau làm du lịch và nông nghiệp tại xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum); 3 hội quán và 3 hợp tác xã tham gia tổ chức dịch vụ du lịch, gắn kết với mô hình sản xuất các sản phẩm OCOP, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, ẩm thực, hoạt động ngành nghề thủ công truyền thống tại huyện Đăk Hà với khoảng 900 thành viên tham gia.

Có thể nói, việc khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả sẽ góp phần tích cực trong chuyển đổi ngành nghề cho lao động nông thôn, giúp cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Đây là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung trong phát triển du lịch hiện nay, đáp ứng nhu cầu, sở thích của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Để du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng thu hút du khách, điều quan trọng là cần tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch. Mục tiêu trước mắt là đến năm 2025, lĩnh vực du lịch này thu hút khoảng 550.000 lượt khách, chiếm khoảng 30% tổng khách du lịch tới tỉnh ta như Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra.

Thiên Hương
Báo Kon Tum – baokontum.com.vn