Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững (phần 2)

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Thời gian gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam.

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam

Trải dài khắp đất nước có thể kể đến các sản phẩm du lịch điển hình như: tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), ngư dân ở Việt Hải (Hải Phòng); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); hái vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang), hái na ở Chi Lăng (Lạng Sơn); trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam); canh nông ở Đà  Lạt (Lâm Đồng); tham quan, khám phá đời sống người dân ở các trang trại sản xuất thanh long tại Bình Thuận. Tỉnh Ninh Thuận có chương trình tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại nuôi dê, nuôi cừu. Chương trình khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái sông nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như du lịch miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đàn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa cảnh miền Tây…

Theo báo cáo từ một số địa phương nói trên và doanh nghiệp lữ hành, lượng khách tham gia vào hoạt động nông nghiệp ngày một tăng. Chi tiêu, thu nhập từ hoạt động du lịch nông nghiệp đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân, cho doanh nghiệp và đóng góp cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, Tổng cục Du lịch cũng nhìn nhận, dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nông nghiệp nhưng trên thực tế, những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp không nhiều. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu. Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn rất giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Hiện đề án đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông qua đề án này, các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế của du lịch nông thôn, từ đó đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo ra động lực phát triển cho du lịch nông thôn giai đoạn tới, phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn, xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần đạt mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới bền vững.

Phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam – những vấn đề đặt ra

Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử  phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học, đa dạng địa hình, đa dạng tài nguyên là điều kiện cho việc phát triển và tồn tại bền vững cho hệ sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó chính là điều cốt lõi để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở một nước nông nghiệp như Việt Nam.

Sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang tiến hành sâu rộng theo chủ trương xây dựng nông thôn mới sẽ tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp. Các làng nghề nông – lâm – ngư nghiệp truyền thống ở nước ta sẽ là động lực thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, đồng thời cũng là thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững. Điều này, không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù. Hầu như địa phương nào ở nước ta cũng có các làng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các nước đã trải qua 30, 40 năm và đã thành công trong việc đặt nền móng và phát triển du lịch nông nghiệp với điểm xuất phát ban đầu như Việt Nam.

Hiện nay, lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon, sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các trang trại, các cộng đồng nông nghiệp gắn với làng xã, thôn bản. Một không gian sống rất thực sự thoáng đạt hòa mình với thiên nhiên, mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau. Nội dung của sản phẩm du lịch nông nghiệp rất phong phú làm nguồn gốc để phát triển các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch trải nghiệm… Du lịch nông nghiệp luôn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ mà gần gũi không bao giờ nhàm chán.

Bên cạnh tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số vấn đề khó khăn, bất cập như sau:

Một là, vấn đề xung đột/mâu thuẫn lợi ích trong việc lựa chọn mô hình/chiến lược phát triển công nghiệp hay nông nghiệp của nhiều địa phương. Điều này cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo trong việc xây dựng nền tảng lý luận mang tính thực tiễn. Đây là vấn đề hệ trọng để đưa ra chính sách phát triển địa phương, đặc biệt cho việc phát triển du lịch nông nghiệp truyền thống theo hướng bền vững gắn với sinh kế của người dân.

Hai là, vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn đòi hỏi tầm nhìn lâu dài. Điều này cần một quyết sách rất mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo vì liên quan trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa và cộng đồng cư dân nông nghiệp (nông hộ, trang trại, các trung tâm khuyến nông lâm ngư nghiệp, các hợp tác xã).

Ba là, vấn đề xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ tên gọi và nội dung hoạt động chuẩn xác là du lich nông nghiệp để từ đó không lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm.

Bốn là, vấn đề kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản vật cho các nông hộ vì hàng ngày họ vẫn phải trực tiếp sản xuất nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có sự trợ giúp trên.

Năm là, vấn đề truyền thông, quảng bá, xúc tiến của địa phương, của quốc gia đối với việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới theo hướng bền vững. Điều này đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên để cân bằng giữa bảo tồn, giữ gìn và phát triển.

Một số khuyến nghị phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững

Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, xin đề xuất một số khuyến nghị sau:

Một là, các địa phương cần tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương. Trong đó, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch. Ngành du lịch và nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa phương để đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng…

Hai là, các địa phương cần đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Việc xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng. Để phát huy thế mạnh của vùng, cần có sự điều phối chung của vùng trong việc nghiên cứu sản phẩm và khai thác thị trường.

Ba là, thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cán bộ ngành du lịch, đặc biệt là cấp cơ sở cần được nâng cao trình độ, kỹ năng, nhất là năng lực trong tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, được tiếp cận tri thức, công nghệ mới trong xúc tiến, quảng bá, truyền thông. Đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng, cần bổ sung vốn kiến thức về văn hóa bản địa, tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng phục vụ du lịch…

Năm là, các địa phương cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải gắn với các sản vật được sản xuất tại địa phương, gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) mang thương hiệu của địa phương. Tăng cường các hoạt động liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh với thế mạnh nông nghiệp. Các doanh nghiệp lữ hành cần phối hợp các địa phương có điểm đến để nghiên cứu thị trường, định hướng nhu cầu, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản phẩm, tiếp thị, quảng bá thu hút khách…

Sau là, chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa và cam kết bảo đảm chất lượng dịch vụ giữa các nhà cung ứng dịch vụ với các doanh nghiệp lữ hành. Xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình trang trại du lịch kiểu mẫu (Farmstay) trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp – du lịch.

Bảy là, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch. Sản phẩm nông nghiệp phải được hướng dẫn sản xuất và công nhận tiêu chuẩn chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; công nghệ chế biến; mẫu mã, bao bì đẹp được kiểm định và đảm bảo. Nghiên cứu nhu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu dùng du lịch thông qua các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe; hàng tiêu dùng đặc sản địa phương làm quà tặng, đồ lưu niệm… 

TS. Đoàn Mạnh Cương
Văn phòng Quốc hội