Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng ở Tam Kỳ (Quảng Nam): Mô hình điểm ở Tam Thanh

TP. Tam Kỳ đang triển khai kế hoạch phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tam Thanh. Từ dự án thí điểm này, thành phố sẽ nhân rộng ra một số khu vực trên địa bàn, không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch mà còn góp phần vào sự phát triển đô thị theo định hướng xanh.

Tam Thanh sẽ hình thành con đường Bách Hoa và con đường thuyền thúng ven biển, tạo điểm nhấn thu hút khách. Ảnh: T.Q

Xã Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) có địa thế đặc biệt, một bên biển, một bên sông với những ngôi làng ở giữa. Bên cạnh đó là những giá trị văn hóa làng quê vẫn còn nguyên sơ. Người dân nơi đây chủ yếu là những ngư dân quanh năm bám biển; chân chất, hồn hậu, đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đó là yếu tố quan trọng cho sự phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Tam Thanh cũng đã có làng Bích Họa mang dấu ấn khá đậm nét trong phát triển du lịch. Bà Bùi Thị Ba (người dân thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh) cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng khi làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương mình. Mỗi người dân nơi đây đều nhận thức được rằng, có tiếp đón nồng hậu, vui vẻ thì khách du lịch mới đến đây nhiều hơn”.

Mới đây, UBND TP. Tam Kỳ đã phối hợp với tổ chức UN Habitat, Trường Đại học Công nghệ thiết kế Singapore và một số tổ chức trong và ngoài nước thực hiện dự án du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tam Thanh. Đây là dự án thí điểm trước khi nhân rộng tại một số khu vực khác trên địa bàn TP. Tam Kỳ. Theo kiến trúc sư Tô Kiên – giảng viên Trường Đại học Công nghệ và thiết kế Singapore, dự án này sẽ được triển khai thực hiện tại khu vực có ranh giới từ thôn Thượng Thanh đến thôn Hạ Thanh 1. Bao gồm các hạng mục chính cải tạo cảnh quan, thiết kế và trang trí cổng làng, cải thiện những bức tranh vẽ trên tường nhà, trên thuyền thúng và đặc biệt là xây dựng một con đường Bách Hoa ven biển song song với con đường thuyền thúng để tạo dấu ấn nổi bật cho làng biển.

Dự án cũng sẽ có sự tham gia của cộng đồng cư dân Tam Thanh với hoạt động làm sạch bờ kè, xây dựng hành lang cây dây leo, thiết lập ánh sáng tập trung bằng các loại đèn giảm thải carbon thấp, cải thiện môi trường bằng cách xây dựng hệ thống thoát nước. Sự tham gia của cộng đồng dân cư cùng chính quyền địa phương sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của dự án. Ông Tô Kiên cho biết thêm: “Để dự án du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng thành công, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương, sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình từ phía người dân và chúng tôi – những người làm dự án là yếu tố thứ ba. Khi đã có điểm chung về tầm nhìn, ý tưởng và cùng chung tay thực hiện thì sẽ đạt được mục đích một cách bền vững”.

Sau khi khảo sát trên địa bàn xã Tam Thanh, các nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra những ý tưởng về truyền thông, phương pháp tiếp cận, tầm nhìn của dự án và việc đưa nghệ thuật vào đời sống tại đây để tạo nên sắc màu du lịch riêng biệt thu hút du khách. Đặc biệt là việc đề cao tính tương tác với người dân bản địa để giữ nguyên nét hoang sơ, mộc mạc của xã biển. Về phía lãnh đạo Tam Kỳ, UBND thành phố cũng đã chuẩn bị tất cả điều kiện hoàn thành việc thực hiện dự án thí điểm này để sau đó xây dựng thêm một số khu vực khác như Bãi Sậy Sông Đầm, địa đạo Kỳ Anh, nhà vườn Tam Ngọc… Đây là chủ trương phù hợp cho sự phát triển đô thị theo định hướng xanh trong tương lai. Ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tam Thanh. Và trước mắt, sẽ thực hiện một số chương trình nghệ thuật cộng đồng, đào tạo nghề cho người dân nhằm thúc đẩy việc lưu trú khách tại đây. Từ đó sẽ xây dựng kế hoạch trong đề án phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2016 – 2020 để nhân rộng ra tại nhiều khu vực trên địa bàn”.

Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là một trong những chiến lược để đưa du lịch TP. Tam Kỳ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo thế mạnh và động lực cho sự phát triển thành phố trong tương lai.