Phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Định: Sản phẩm khác biệt, giữ nét địa phương

Sở Du lịch Bình Định vừa tiến hành tham vấn cộng đồng, khảo sát, xây dựng đề án trình UBND tỉnh về việc phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), làng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), làng K3 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) để triển khai trong thời gian tới.

Hiện nay, khách du lịch ngày càng quan tâm đến du lịch bền vững, muốn khám phá những giá trị truyền thống của người dân địa phương và tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo, khác biệt. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đang là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững, cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa.

Du khách trải nghiệm các dịch vụ, trò chơi biển tại Hòn Khô (Nhơn Hải). Ảnh: Lê Na

Xã Nhơn Hải là một địa phương có rất nhiều tiềm năng về phát triển du lịch như: Làng chài truyền thống, làng nghề làm nước mắm cổ truyền, các sản phẩm du lịch (câu cá, câu mực đêm; thể thao và vui chơi giải trí trên biển như: Lặn biển ngắm san hô, thuyền thúng đáy kính, dù lượn, canô, môtô nước, dịch vụ phao nổi…). Điểm đặc biệt thu hút khách du lịch đến với Nhơn Hải là con đường cát trên biển và đi thuyền trên biển ngắm bình minh; trải nghiệm tham gia cùng với các ngư dân làng chài trong hoạt động đánh bắt cá vào rạng sáng hoặc câu mực đêm…

Làng rau Thuận Nghĩa nằm ở vị trí thuận lợi, cách quần thể các di tích Bảo tàng Quang Trung 1,5 km, có thể kết nối với điểm du lịch tháp Dương Long, thuận tiện cho du khách chiêm ngưỡng di tích, sau đó có điểm dừng chân, tham quan, trải nghiệm tại Làng rau Thuận Nghĩa – vựa rau sạch lớn nhất huyện Tây Sơn.

Làng rau Thuận Nghĩa hiện có 38,5 ha rau màu các loại, trong đó có 9 nhóm cùng sở thích trồng rau/224 hộ/ trên 19,5 ha đã được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP. Với vị trí gần sông Côn, môi trường trong lành; sản vật tự nhiên khai thác, đánh bắt từ sông có thể bổ sung các món sản phẩm ẩm thực đặc trưng phục vụ du khách cùng với đặc sản các loại rau… Làng rau Thuận Nghĩa có thể thu hút nhiều du khách.

Làng K3 nằm trong địa phận xã Vĩnh Sơn là xã vùng núi cao của huyện Vĩnh Thạnh nên có sẵn lợi thế từ khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, phong phú (có hệ sinh thái rừng, hồ, sông, suối, thác nước, các loại cây, hoa xứ lạnh, lâm sản quý hiếm,…). Cùng với đó là nguồn tài nguyên quý giá về văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào Bana Vĩnh Thạnh như: Các lễ hội, trò chơi, điệu dân vũ, bài cúng, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, tơ rưng…

Ngoài phát triển sản phẩm du lịch mới tại một số địa bàn có nhiều tiềm năng, du lịch cộng đồng khi được phát triển sẽ khắc phục được những nhược điểm thường thấy của hoạt động du lịch do người dân thực hiện như: Tính tự phát, dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, khả năng quản lý kém, sản phẩm kém hấp dẫn… Việc phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa và cảnh quan; cải thiện cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Qua đợt tham vấn, phần lớn ý kiến người dân các khu vực dự kiến triển khai đề án phát triển du lịch cộng đồng đồng tình với định hướng của tỉnh. Tuy nhiên, bà con cũng kiến nghị tỉnh cần đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng, tổ chức tập huấn cách làm du lịch cộng đồng và hỗ trợ tham quan các mô hình đang thu hút khách ở các địa phương khác.

“Các điểm được chọn thực hiện đề án phát triển du lịch cộng đồng lần này phù hợp với định hướng của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Việc hình thành các điểm du lịch cộng đồng một mặt tạo ra sản phẩm du lịch mới, góp phần gìn giữ nét văn hóa, tài nguyên du lịch cho khu vực, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Hiện đề án đang được UBND tỉnh cùng các ngành xem xét, cho ý kiến để hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian tới” .

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch​

                 Lê Na

Báo Bình Định Online – baobinhdinh.com.vn