Phát triển các sản phẩm OCOP Cô Tô (Quảng Ninh)

Huyện Cô Tô (Quảng Ninh) hiện có 66 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Chung tay xây dựng sản phẩm OCOP địa phương, HND huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia chương trình OCOP.

Cán bộ HND và nhân viên Bưu điện huyện hướng dẫn chị Phạm Thanh Măng (ở giữa) đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Cơ sở chế biến Thanh Măng (khu 4, thị trấn Cô Tô) được nhiều người dân và du khách biết đến với các sản phẩm chất lượng và đặc trưng của địa phương. Thời gian qua, HND huyện đã đồng hành, hỗ trợ Cơ sở xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP: Mực ống khô Cô Tô, được công nhận 4 sao năm 2015; cá thu một nắng, cá duội khô, chả mực, chả hải sản được công nhận 3 sao năm 2018… Cơ sở tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

Chị Phạm Thanh Măng, chủ Cơ sở chế biến Thanh Măng, chia sẻ: Quy trình làm thủ tục cho các sản phẩm được công nhận thương hiệu OCOP của tỉnh rất khắt khe. Được sự giúp đỡ của HND huyện và chính quyền địa phương, hiện các sản phẩm của Cơ sở được cấp chứng nhận sao OCOP, nhờ đó tiêu thụ nhanh hơn. Mỗi tháng Cơ sở xuất ra thị trường gần 1 tấn sản phẩm các loại.

Bên cạnh hỗ trợ các hội viên về hồ sơ, thủ tục chứng nhận OCOP, HND huyện phối hợp với Phòng TN&MT huyện tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của chương trình OCOP; hướng dẫn các hộ sản xuất, chủ cơ sở, HTX… phát triển sản phẩm OCOP. Trong năm 2023 HND huyện đã tổ chức 3 buổi tập huấn cho 270 lượt người.

HND huyện đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cho sản phẩm OCOP thông qua hoạt động triển lãm, hội chợ, đưa hội viên tham gia hội chợ, triển lãm do các tỉnh, huyện khác tổ chức. Năm 2023 huyện có 5 sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh là: Mực khô Cô Tô; Cơ trai đông lạnh; Mực lá đông lạnh Cô Tô; Mực ống Cô Tô; Cá đục một nắng.

HND huyện tập huấn hướng dẫn hội viên phát triển sản phẩm OCOP

Để các hội viên tiếp cận với sàn TMĐT, HND huyện phối hợp với Bưu điện huyện hướng dẫn, tuyên truyền hội viên tham gia chuyển đổi số, ứng dụng TMĐT trong SXKD. Bước đầu đã vận động được 10 hội viên có sản phẩm OCOP đăng ký lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn.

Chị Vũ Thị Loan (xã Thanh Lân) chia sẻ: Được sự tư vấn, hướng dẫn của HND huyện, sản phẩm 3 sao OCOP Cơ trai đông lạnh của gia đình đã lên các sàn TMĐT như Postmart.vn, ocopquangninh.com.vn. Nhờ đó khách hàng biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ ngày càng tăng.

Tận dụng lợi thế là điểm thu hút du lịch, HND huyện đã kết nối, đưa các nông sản sạch, sản phẩm OCOP do nông dân sản xuất vào các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch trên địa bàn, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân. HND huyện phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ các hội viên vay vốn phát triển quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2023 đã cho hội viên vay vốn trên 3 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Hoài, Phó Chủ tịch HND huyện, cho biết: Thời gian tới HND huyện tiếp tục phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phát triển sản phẩm OCOP địa phương; đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT; mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; tham gia cuộc thi đánh giá và phân loại sản phẩm OCOP huyện lần thứ VII năm 2024.

Ngọc Trâm

Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn