Từ món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Thái, năm 2022, chị Lò Thị Sáng, bản Dân, xã Chiềng Pấc, đã xây dựng sản phẩm thịt trâu gác bếp Hương Đồi đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để có món thịt trâu thơm ngon, chị Sáng chú trọng lựa chọn thịt, sơ chế, tẩm ướp nhiều loại gia vị, hun, sấy kỳ công. Quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng chất bảo quản, hóa chất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Chị Sáng chia sẻ: Với mong muốn sản phẩm thịt hun khói đặc sản của dân tộc mình được nhiều người biết đến, tôi đã đăng ký sản phẩm OCOP. Tôi được các đơn vị chuyên môn tư vấn để hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm khi tổ chức đánh giá; lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng… Hiện nay, sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng năm 2023, cơ sở chế biến, bán hơn 4 tấn thịt khô các loại, trừ chi phí thu lãi hơn 400 triệu đồng.
HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận hoạt động lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp trồng, chăm sóc và chế biến chè. Đảm bảo nguyên liệu phục vụ xưởng chế biến, ngoài 5 ha chè hiện có, HTX còn liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã trên địa bàn. Sản phẩm chè Trọng Nguyên được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ. Năm 2019, HTX xây dựng thương hiệu “Chè Trọng Nguyên – Phổng Lái Thuận Châu”, sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm được tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm 2023, HTX sản xuất 230 tấn chè khô cung cấp thị trường trong nước và nước ngoài; doanh thu khoảng 11 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ. Giữ vững thương hiệu, HTX hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mới và thâm canh các giống chè chất lượng cao; sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển các sản phẩm lợi thế và nâng cao giá trị sản phẩm. Năm 2024, huyện tiếp tục đăng ký 8 sản phẩm OCOP, trong đó, 6 sản phẩm mới, gồm: Gà thịt nguyên con đông lạnh, ruốc gà dược liệu Chà Mạy của HTX nông nghiệp Chà Mạy; rượu men lá thuốc Bắc Khánh Ngọc của hộ kinh doanh Nguyễn Khánh Ngọc; bột mắc khén Mầu Xá, HTX tổng hợp nông nghiệp Huy Hoàng; khoai sọ tươi, khoai sọ cắt thanh đông lạnh của HTX sản xuất, kinh doanh cây ăn quả, phát triển chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Hưng Thịnh. Đánh giá lại 2 sản phẩm: Điểm du lịch Pha Đin Top, HTX du lịch Pha Đin; Trà Oolong Thu Đan, Công ty TNHH Trà Thu Đan.
Xây dựng và đánh giá lại các sản phẩm, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan có liên quan hướng dẫn các hộ dân, HTX thực hiện quy trình sản xuất; xây dựng phương án thiết kế bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, làm thủ tục để được công nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt kinh phí hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm năm 2024.
Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất dựa trên tiềm năng thế mạnh. Đồng thời, đưa chương trình OCOP vào Nghị quyết của cấp ủy các cấp để có kế hoạch triển khai phù hợp. Rà soát các sản phẩm tiêu biểu của các xã, thị trấn có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hoá lồng ghép vào công tác triển khai thực hiện phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Tư vấn, hướng dẫn các HTX, các hộ gia đình kinh doanh thực hiện các thủ tục hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP các cấp theo quy định.
Phát triển các sản phẩm lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Thuận Châu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển chương trình OCOP. Đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.