Ninh Thuận: Đầu tư nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm gốm Chăm

HTX Gốm Chăm Bàu Trúc là một trong những đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận. HTX huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống người lao động gắn bó với làng nghề truyền thống. Đặc biệt, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, tạo động lực đưa sản phẩm gốm Chăm phát triển lên tầm cao mới.

Giám đốc Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc Phú Hữu Minh Thuần và nghệ nhân chế tác gốm Chăm

Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc Phú Hữu Minh Thuần và nghệ nhân chế tác gốm Chăm

Giám đốc tâm huyết nâng tầm cho gốm Chăm

Đến với Bàu Trúc (Palei Hamu Craok, tiếng Chăm) thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) vào một sáng cuối tháng 11/2023, chúng tôi ghi nhận hoạt động sản xuất làng nghề gốm diễn ra nhộn nhịp. Các thành viên HTX Gốm Chăm Bàu Trúc và các nghệ nhân làng nghề đang vào mùa cao điểm chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Ngừng tay chế tác “bộ ba” mặt tượng thần Shiva, Vishnu, Brahma, anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc phấn khởi bày tỏ niềm vui: “Ngày 15/5/2023 vừa qua, HTX chúng tôi và bà con làng nghề Bàu Trúc vui mừng đón tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm. Bản thân tôi vinh dự đại diện HTX báo cáo với Chủ tịch nước về lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật gốm Chăm. Chủ tịch nước đánh giá cao sự cố gắng của các nghệ nhân Bàu Trúc đã giữ gìn, xây dựng, phát triển nghề truyền thống do cha ông để lại. Chủ tịch nước mong muốn bà con làng nghề chú ý việc truyền dạy nghề và phát triển nghệ nhân, tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.”

Người dân giỗ tổ nghề sản xuất gốm Chăm làng Bàu Trúc.

Người dân giỗ tổ nghề sản xuất gốm Chăm làng Bàu Trúc

Ấn tượng của chúng tôi khi đến thăm HTX Gốm Chăm Bàu Trúc là không khí sản xuất diễn ra nhộn nhịp tại nhà trưng bày gốm do Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng, hoàn thành từ giữa năm 2008 với diện tích sử dụng 600 m2. Ban Giám đốc HTX tiếp nhận quản lý sử dụng hiệu quả Nhà trưng bày phục vụ đắc lực hoạt động sản xuất – kinh doanh, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm chế tác gốm Chăm. Nhà trưng bày gốm Chăm Bàu Trúc là “bảo tàng sống” sinh động, gắn giữa trưng bày hàng ngàn sản phẩm gốm với nghệ nhân chế tác biểu diễn gốm Chăm, được du khách yêu thích, ngợi khen.

Trao đổi với anh Phú Hữu Minh Thuần, chúng tôi được biết, HTX Gốm Chăm Bàu Trúc được thành lập từ năm 2008 tới nay. Tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng dưới sự quản lý trực tiếp của người Giám đốc tâm huyết cùng các thành viên đoàn kết tích cực đưa đơn vị kinh tế tập thể phát triển vững chắc.

Người dân khai thác đất sét cung cấp nguyên liệu cho HTX Gốm Chăm Bàu Trúc.

Người dân khai thác đất sét cung cấp nguyên liệu cho HTX Gốm Chăm Bàu Trúc

Các nghệ nhân HTX Gốm Chăm Bàu Trúc nhào trộn đất sét nguyên liệu.

Các nghệ nhân HTX Gốm Chăm Bàu Trúc nhào trộn đất sét nguyên liệu

Phú Hữu Minh Thuần sinh năm 1976 tại Palei Cakling (làng dệt Mỹ Nghiệp), anh có duyên nợ rồi đứng mũi chịu sào, nâng cao chuỗi giá trị của HTX Gốm Chăm Bàu Trúc. Thời thanh niên, anh từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tiếng Anh rồi trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Anh có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình kết nối tour du khách quốc tế đến với Việt Nam thăm thú trải nghiệm làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Anh được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2023).

Nâng cao chuỗi giá trị

HTX Gốm Chăm Bàu Trúc hiện có 45 thành viên với vốn điều lệ 960 triệu đồng. HTX tập hợp các nữ nghệ nhân “bàn tay vàng” chế tác gốm tiêu biểu như Trượng Thị Gạch, Phú Thị Mỹ Hằng, Đàng Thị Lẻo và các nam nghệ nhân điêu khắc tượng, điêu khắc phù điêu tiêu biểu như Đàng Phú Hữu Katê, Lưu Văn Doanh, Đàng Tuấn Khang, Đàng Hải Phường… Các nghệ nhân tài hoa của HTX Gốm Chăm Bàu Trúc nâng cao chuỗi giá trị cho sản phẩm gốm bằng cách sáng tạo hàng ngàn mẫu gốm mỹ nghệ theo yêu cầu của khách hàng.

Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc tâm huyết bảo tồn phát triển gốm Chăm.

Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc tâm huyết bảo tồn phát triển gốm Chăm

Hiện nay, sản phẩm gốm Chăm mỹ nghệ có kiểu dáng, họa tiết đặc sắc đa dạng về chủng loại như tháp Chăm, tượng thần, bình cắm hoa, bình nước phong thủy, đèn trang trí, các loài động vật… Sản phẩm gốm Chăm kết tinh giá trị nghệ thuật cao, mang tính độc bản, được sử dụng trong trang trí gia đình, khách sạn, nhà hàng, resort cao cấp. Gốm mỹ nghệ Bàu Trúc hôm nay đã có mặt rộng rãi khắp thị trường trong nước và ở nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Australia, Nhật Bản, Malaysia…

Làng gốm Bàu Trúc thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm làm quà lưu niệm. Đặc biệt, từ khi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, làng Bàu Trúc trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm sản phẩm gốm của du khách trong và ngoài nước. Tính riêng trong mùa Hè năm 2023, mỗi ngày, HTX Gốm Chăm Bàu Trúc tiếp đón từ 2.000 – 3.000 lượt du khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Nhờ đó, nguồn sản phẩm gốm Chăm tiêu thụ mạnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ thành viên HTX. Các nghệ nhân giỏi nghề, cần mẫn lao động cung cấp nhiều sản phẩm cho HTX có thu nhập trung 8 – 9 triệu đồng/tháng; lao động học việc tích cực tham gia chế tác gốm cho HTX có thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng.

Các nghệ nhân HTX Gốm Chăm Bàu Trúc sản xuất chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Các nghệ nhân HTX Gốm Chăm Bàu Trúc sản xuất chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Anh Phú Hữu Minh Thuần đưa ra bài toán về chuỗi giá trị trong ngành nghề sản xuất gốm Chăm tại làng Bàu Trúc. Đơn cử, cùng một lượng đất, chất đốt và công lao động, người làm lu truyền thống bán được 150 – 200 ngàn đồng/chiếc. Trong khi đó, nghệ nhân đầu tư thêm “hàm lượng chất xám” chế tác đèn mỹ nghệ cung ứng cho các resort có giá bán 1,2 – 1,5 triệu đồng/chiếc, giá trị tăng thêm gấp 8 – 10 lần so với sản xuất gốm gia dụng truyền thống. HTX Gốm Chăm Bàu Trúc cũng đã đầu tư xây dựng lò nung gốm “kín gió” sử dụng củi bảo đảm chất lượng sản phẩm, giảm chi phí chất đốt và công lao động, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.

Du khách trải nghiệm chế tác gốm tại HTX Gốm Chăm Bàu Trúc.

Du khách trải nghiệm chế tác gốm tại HTX Gốm Chăm Bàu Trúc

Du khách mua sản phẩm gốm mỹ nghệ tại HTX Gốm Chăm Bàu Trúc.

Du khách mua sản phẩm gốm mỹ nghệ tại HTX Gốm Chăm Bàu Trúc

“Các thành viên HTX chúng tôi đoàn kết thi đua làm nhiều sản phẩm bền đẹp, đa dạng mẫu mã, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước. Gắn phát triển sản phẩm chất lượng cao với loại hình du lịch làng nghề gốm Chăm Bàu Trúc theo tour tham quan khu dân cư, trải nghiệm chế tác gốm, thăm đền thờ tổ nghề gốm Pô Klong Can, đồng ruộng Nu- lanh, thưởng thức ẩm thực và chương trình dân ca dân vũ đặc sắc đồng bào Chăm làng Bàu Trúc. Qua đó góp phần nâng cao chuỗi giá trị gốm Chăm, tăng thu nhập, giúp người dân bảo đảm cuộc sống no ấm gắn bó phát triển làng nghề giàu đẹp như mong muốn của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng”, anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX Gốm Chăm Bàu Trúc chia sẻ niềm vui.

Thái Sơn Ngọc

Báo Dân tộc và Miền núi – baodantoc.vn