Ký hợp tác liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch tại hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Anh Tuấn
Đa dạng loại hình du lịch nông thôn
Thời gian gần đây, HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp là một trong những địa chỉ được khách du lịch yêu thích và lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Liên ở thành phố Ninh Bình cho biết: Tôi rất thích đưa gia đình vào HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp trải nghiệm vì nơi đây cho tôi cảm giác bình yên, đồng thời giúp các con tôi hiểu hơn về hoạt động sản xuất và tạo sự gắn kết với thiên nhiên.
Tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản của nhiều hộ chăn nuôi tại thôn 12 và một số thôn của xã Đông Sơn, đến nay HTX đã phát triển và cung cấp hơn 200 sản phẩm, gồm rau củ quả các loại, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, gạo, ngũ cốc, thảo dược… và dịch vụ du lịch trải nghiệm.
Đặc biệt, với những nỗ lực trong việc phát triển nông nghiệp và du lịch, mô hình du lịch cộng đồng Quèn Thờ của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp được công nhận xếp hạng OCOP 4 sao. Khách du lịch đến với HTX được tham quan thắng cảnh, trải nghiệm thực tế các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thưởng thức những đặc sản được sản xuất tại chính nơi đây.
Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát được thành lập năm 2013. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, chủ yếu sản xuất ra hàng gốm sứ dùng làm quà lưu niệm, đến nay Công ty đã có sự phát triển đa dạng về mẫu mã sản phẩm, chất lượng đảm bảo.
Ngoài bát, đĩa, ấm chén, lục bình… Công ty còn sản xuất các loại bình giả cổ, bình phong thủy, tranh gốm sứ có giá trị. Sản phẩm gốm của Công ty đã được xuất khẩu ra nước ngoài và được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, Công ty còn mở thêm dịch vụ du lịch tham quan, trải nghiệm.
Theo anh Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát: Khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi năm Công ty đón từ 30-50 đoàn đến tham quan, trải nghiệm gồm các nhà nghiên cứu, khách du lịch trong nước và quốc tế, các đoàn học sinh trong và ngoài tỉnh.
Du khách đến tham quan được hướng dẫn viên giới thiệu về nguồn gốc và sự phát triển của gốm Bồ Bát, quy trình sản xuất ra một sản phẩm. Đặc biệt, du khách có thể tham gia các công đoạn sản xuất như: nhào bột, tạo hình, sấy khô, vẽ hoa văn… Nhìn chung khách đến tham quan rất thích thú và bày tỏ mong muốn quay trở lại.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Ninh Bình, mô hình du lịch nông thôn hình thành và đưa vào khai thác đầu tiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long. Bắt đầu từ việc du khách đến với Vân Long có nhu cầu nghỉ tại nhà dân, tìm hiểu và khám phá cuộc sống của cư dân địa phương, đến nay mô hình đã lan tỏa ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh và được triển khai dưới các loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…
Các địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch này như: xã Gia Vân, Gia Hòa (Gia Viễn); xã Sơn Hà (Nho Quan); xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên (Hoa Lư); xã Yên Mạc, Yên Từ (Yên Mô); thành phố Tam Điệp… Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nông thôn phần nào đáp ứng được nhu cầu lưu trú, ăn nghỉ của du khách. Hiện toàn tỉnh có 160 hộ kinh doanh homestay với 830 buồng và 1.500 giường.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có nhiều làng nghề; hàng nghìn trang trại, gia trại, trong đó có 88 trang trại tổng hợp với diện tích đất bình quân 4,5ha/trang trại. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương trong tỉnh, giúp khai thác các giá trị nội tại vùng nông thôn, duy trì, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của phát triển kinh tế đô thị.
Ngoài ra, đây còn là hướng phát triển đem lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Tạo mối liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch nông thôn
Theo ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, phát triển du lịch nông thôn Ninh Bình thời gian qua cho thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Số lượng khách du lịch tham gia còn ít, khách du lịch nội địa chủ yếu là học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu.
Tuy đã có nhiều địa phương, nhiều công ty du lịch xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch nông thôn song quy mô và hình thức còn đơn điệu, sản phẩm và đối tượng thị trường chưa rõ. Mặt khác, việc đào tạo nghiệp vụ cho cấp quản lý từ tỉnh đến địa phương, cộng đồng dân cư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch nông thôn của tỉnh, ông Mạnh cho rằng: Ninh Bình là tỉnh thuần nông, với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp đã có lịch sử lâu đời, nhiều cánh đồng ở Ninh Bình xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới, như cánh đồng lúa Tam Cốc từng lọt top 15 địa danh "tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn; đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018 của Tạp chí Business Insider.
Ngoài ra, Ninh Bình có nhiều cánh đồng đang triển khai các mô hình canh tác mới thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chụp ảnh, như cánh đồng dứa Đồng Giao, cánh đồng hoa Ninh Phúc, làng hoa đào Đông Sơn (Tam Điệp)… Ninh Bình có rất nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng.
Đặc biệt trong giai đoạn 2018 – 2019 tỉnh có 12 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3-4 sao. Đây được xác định là những lợi thế rất lớn để phát triển loại hình du lịch nông thôn.
Để phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới, tỉnh cần có những định hướng và bước đi mới, trong đó có sự liên kết chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, du lịch để tạo ra được sản phẩm du lịch có chất lượng và tính chuyên nghiệp cao.
Trong đó, chính quyền địa phương cần quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau; tiếp tục đầu tư các hạng mục phát triển hạ tầng giao thông tạo thuận tiện cho du khách di chuyển đến các địa phương tham quan; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho du lịch nông thôn bằng nhiều phương thức khác nhau, thông qua báo chí, truyền thông, kênh truyền hình, website, các trang mạng xã hội, hội chợ du lịch…
Đối với người dân cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống để tạo ấn tượng tốt với khách du lịch. Xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp để tạo sức hút đối với du khách trong nước, quốc tế.
Hồng Giang