Nhiều điểm đến du lịch thú vị trên vùng quê Phú Giáo, Bình Dương

Huyện Phú Giáo nằm về phía đông bắc của Bình Dương, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km. Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, trong thời gian qua, huyện Phú Giáo đã rất quan tâm đến công tác phát triển du lịch trên địa bàn. Ngoài những di tích lịch sử - văn hóa, trên địa bàn huyện còn có những điểm đến có thể khai thác du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp công nghệ cao hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều thú vị cho du khách khi đến với Phú Giáo.


Di tích lịch sử cầu gãy Sông Bé

Nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Phú Giáo là một trong những huyện có nhiều tiềm năng khai thác phát triển du lịch. Ông Lý Thành Vinh, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Giáo cho biết, nói về tiềm năng để phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phú Giáo, trước tiên cần phải nói đến hệ thống giao thông thuận tiện. Huyện nằm trên tuyến đường huyết mạch ĐT741 kết nối TP. Hồ Chí Minh, thành phố mới Bình Dương với tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Cùng với đó, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây thích hợp để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa đa dạng và đang trở thành thế mạnh của huyện. Điển hình trong đó có Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao U&I, trang trại Chiến Thắng, Hợp tác xã Dưa lưới Kim Long và các vườn cây ăn trái được đầu tư bài bản, có nhiều tiềm năng khai thác phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.

Hiện trên địa bàn huyện có 3 di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh, gồm: Di tích chùa Bửu Phước, di tích lịch sử Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành và di tích cầu gãy Sông Bé. Đây là những điểm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ đoàn viên thanh niên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có dòng sông Bé với địa hình đa dạng, thảm thực vật phong phú, có nhiều bãi đá tự nhiên đẹp và hoang sơ (khu Hang Cọp ở xã Tam Lập, Suối Rạt ở xã An Bình), có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, dã ngoại cuối tuần.

Một trong những yếu tố tạo điều kiện cho du lịch Phú Giáo phát triển nữa là hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã phát triển đồng bộ, với hệ thống điện, đường, trường, trạm, điện lưới đã phủ kín. Toàn bộ các tuyến đường liên xã được trải nhựa, nâng cấp, đầu tư mở rộng tạo thuận lợi thông thương hàng hóa cũng như định hướng liên kết vùng du lịch, xây dựng các tuyến du lịch, hình thành điểm, các sản phẩm du lịch và đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch. Tất cả đã tạo nền tảng cơ bản để phát triển du lịch trong thời gian tới.

Ông Lý Thành Vinh cho hay, trong những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn cũng như sự đồng thuận tham gia của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Điều này góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác phát triển du lịch. Sự quan tâm đó còn góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái; đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, tìm hiểu, khám phá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài tỉnh.


Lãnh đạo ngành du lịch tỉnh khảo sát các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo để phục vụ phát triển du lịch

Những điểm đến thú vị

Trong những di tích trên địa bàn huyện Phú Giáo đã được công nhận, nổi bật là di tích lịch sử cầu gãy Sông Bé. Trong thời gian qua, di tích này đã trở thành điểm đến tham quan thường xuyên của du khách trong và ngoài tỉnh mỗi khi có dịp đến với huyện Phú Giáo. Từ trung tâm tỉnh, theo tỉnh lộ 741 xuôi về hướng đông bắc tỉnh Bình Dương (đường đi Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên), đoạn qua huyện Phú Giáo, chúng ta sẽ gặp một cây cầu bị gãy đôi nằm song song với cầu Phước Hòa. Cây cầu gãy đã nhuốm màu bởi thời gian này có tên là cầu Sông Bé. Cầu Sông Bé nối liền 2 xã Phước Hòa và xã Vĩnh Hòa của huyện Phú Giáo. Cầu bị đánh sập vào năm 1975. Từ đó đến nay, cầu Sông Bé cùng với dòng sông Bé đỏ phù sa lặng lẽ đi qua thời gian với một nhịp gãy để giữ mãi cho những thế hệ sau tâm điểm của câu chuyện dựng nước và giữ nước. Lịch sử gắn liền với cây cầu Sông Bé không chỉ là lịch sử của riêng nó mà đó là lịch sử của cả huyện Phú Giáo và tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh những di tích lịch sử – văn hóa, trên địa bàn huyện Phú Giáo còn có những điểm đến du lịch sinh thái, nổi bật, như: Suối Rạt ở xã An Bình, khu Hang Cọp ở xã Tam Lập, đập Phước Hòa ở xã An Thái, thiền viện Trúc lâm Thanh Nguyên ở xã Tam Lập… Những điểm tham quan này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn với không khí trong lành, mát mẻ rất phù hợp với những chuyến du lịch dã ngoại, thư giãn cuối tuần.

Du lịch nông nghiệp công nghệ cao cũng là một trong những hướng khai thác mà địa phương đang thực hiện nhằm phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Điển hình như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã An Thái do Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao U&I làm chủ đầu tư, với quy mô hơn 400ha. Đến đây, du khách vừa có thể tham quan, vừa học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cây ăn trái, đặc biệt là mô hình trồng dưa lưới, chuối hữu cơ và tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Trang trại Chiến Thắng Citafarm (xã Tam Lập) cũng là nơi lý tưởng cho các bạn trẻ đến để trải nghiệm với loại hình tham quan vườn cây ăn trái đầy đủ các loại đặc trưng của tỉnh Bình Dương, như: Măng cụt, dâu, bòn bon, mít tố nữ… Ở đây, mọi người còn có thể trải nghiệm cảm giác thú vị với câu cá giải trí, khám phá khu rừng nguyên sinh với diện tích hơn 10ha. Đặc biệt, huyện Phú Giáo đang phối hợp cùng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện Đề tài “Xây dựng Làng thông minh dựa trên mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái” tại ấp Gia Biện, xã Tam Lập. Đây là đề án thí điểm của huyện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội gắn với nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện…

Để thu hút du khách đến với Phú Giáo, góp phần phát triển kinh tế địa phương, ông Vinh cho biết, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, khai thác hết các tiềm năng hiện có của địa phương, đặc biệt các dịch vụ phụ trợ cho phát triển du lịch. Cùng với đó, huyện sẽ nâng cao chất lượng các cơ sở kinh doanh, lưu trú trên địa bàn huyện nhằm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của du khách khi đến với Phú Giáo; đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch; tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, xúc tiến du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế; định hình và kết nối sản phẩm du lịch, các tuyến du lịch với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ để phục vụ khách du lịch…

Ông Phạm Hồng Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương: Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh rất quan tâm đến việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phú Giáo. Ngành du lịch và trung tâm đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá các điểm đến trên địa bàn huyện nhằm đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch của huyện cũng như của tỉnh nhà. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thông tin quảng bá về những điểm đến trên địa bàn huyện để giới thiệu, thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phú Giáo nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

 Hồng Thuận