Ngọt ngào hương vị bánh khảo Tràng Định – Lạng Sơn

banh khao 9.jfif
Bánh khảo gia truyền Tất Liên được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Hương Hiền 

Nhắc tới đặc sản Lạng Sơn thì không thể nào bỏ qua bánh khảo Tràng Định – món bánh truyền thống có ý nghĩa lớn vào mỗi dịp quan trọng của bà con dân tộc. Người Nùng, người Tày tin rằng bánh khảo tượng trưng cho đất mẹ với lớp vỏ từ gạo nếp, còn nhân bên trong là biểu trưng cho sự hòa hợp và đoàn kết. Vị ngọt của bánh tượng trưng cho tình yêu thương. Tổng thể chiếc bánh là sự kết nối yêu thương giữa người với người, giữa các bản làng và dân tộc với nhau.

banh khao 8.jfif
Những chiếc bánh khảo “ra lò” được đóng gói cẩn thận để dâng lên bàn thờ tổ tiên hay làm món ăn tiếp khách, làm quà biếu. Ảnh: Hương Hiền

Người dân nơi đây thường đóng bánh khảo để dâng lên bàn thờ tổ tiên hay làm món ăn tiếp khách đến chơi nhà. Đặc biệt bánh khảo không thể thiếu vào những dịp quan trọng, món ăn truyền thống này cũng được dùng làm một món quà biếu người thân, bạn bè phương xa. Hơn nữa, bánh khảo không chỉ là món ăn vặt, quà biếu mà còn được người dân dùng làm lương khô. Những người đi nương rẫy thường mang theo thứ bánh này ăn chống đói.

banh khao 3.jfif
Đường kính hoặc đường phên được giã mịn rồi trộn với phần bột nếp đã ủ đến khi các nguyên liệu quyện vào với nhau. Ảnh: Hương Hiền
banh khao 2.jfif
Lớp nhân được làm bằng lạc vừng hoặc đậu xanh. Ảnh: Hương Hiền
banh khao 5.jfif
Cho phần bột đã trộn đường vào khuôn, rắc lớp nhân lên trên thật đều, phủ lớp bột cuối cùng lên trên nhân rồi nén để bánh vào khuôn, kết thành một khối. Ảnh: Hương Hiền

Để làm ra được món bánh khảo ngon đúng chuẩn, người làm bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn cùng những sự tỉ mỉ khéo léo. Gạo làm bánh phải là loại nếp cái hoa vàng ngon, hạt to, không vỡ. Gạo rang đủ lửa thì mới thơm, bánh mới ngọt. Khi rang xong, gạo được đem nghiền thành bột và đem bọc vào giấy ủ trong khoảng 1 tuần. Đường kính hoặc đường phèn được giã mịn, trộn đều với bột nếp đã ủ, đến khi các nguyên liệu quyện vào với nhau và sàng lọc lấy phần bột mịn nhất. Tiếp đó là công đoạn đổ bột vào khuôn, rắc lớp nhân được làm bằng lạc vừng hoặc đậu xanh lên trên, ép chặt thành khối. Nhân bánh gồm đậu xanh được đồ chin nhuyễn, trộn với đường, cho vào giữa 2 phần bột nếp tạo thành hương vị hấp dẫn.

banh khao 6.jfif
Trên khuôn làm bánh người làm đặt thước cắt theo vạch kẻ sao cho bánh thành phẩm đều và đẹp. Ảnh: Hương Hiền
banh khao 11.jfif
Trải qua nhiều công đoạn khéo léo, tỉ mỉ của người thợ làm bánh, những chiếc bánh khảo truyền thống Tràng Định ra đời mang đặc trưng riêng rất ngon, có mùi thơm của gạo, nhân, ăn vào bùi, ngọt vừa miệng. Ảnh: Hương Hiền 

Hiện ở Tràng Định có khoảng 50 cơ sở làm bánh khảo, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nghệ nhân Đổng Tất Liên (khu 2, thị trấn Thất Khê), chủ cơ sở bánh khảo, bánh nướng Tất Liên cho biết, mỗi năm cơ sở của chị sản xuất từ 150.000 đến 180.000 phong bánh khảo nhân đỗ xanh, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Bánh khảo được tiêu thụ nhiều nhất vào các dịp lễ Tết. Nhờ nâng cao chất lượng và mẫu mã, sản phẩm bánh khảo của chị ngày càng được khách hàng ưa chuộng, thị trường mở rộng khắp cả nước và vươn ra ngoài thế giới như Canada, Trung Quốc… Tháng 4/2022, sản phẩm bánh khảo Tất Liên được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho gần chục lao động ở địa phương.

Hương Hiền

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – TTXVN – dantocmiennui.vn