Nghệ An: Tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với mô hình bảo tồn và phát triển cá mát

Du lịch sinh thái cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích, giúp phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa. Du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với mô hình bảo tồn và phát triển cá Mát tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương không những giúp người dân bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc độc đáo của người dân Tam Hợp. Việc xây dựng và ...

Tam Hợp là xã miền núi vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương với địa hình hiểm trở, chia cắt bởi nhiều khe, suối. Tam Hợp tiếp giáp với các xã Tam Thái, Thạch Giám, Tam Thái, Tam Đình, Tam Quang, Xá Lượng và huyện Viêng Thoong – tỉnh Bolikhamxay (Lào). Với diện tích tự nhiên 22.683,85 ha, trong đó, 413,04 ha đất nông nghiệp, 22.270,33 ha đất lâm nghiệp và 87,15 ha là lưu vực sông, suối, khe độ dốc lớn, quanh co với nhiều thác gềnh đã tạo cho xã Tam Hợp một quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ, rừng núi nguyên sinh. Đặc biệt, xã Tam Hợp có nguồn lợi cá Mát, được xem là đặc sản của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, đem lại nhiều món ăn truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Cá Mát, danh pháp khoa học là Onychostoma gerlachi, W. K. H. Peters, 1881, còn được gọi là cá sỉnh cao, cá niên; người Tày, người Thái gọi là peea khính, pa khính; người Hrê bản địa gọi là cai-lin, còn người Kor gọi là ca-da-lết. Cá Mát mà người dân các địa phương ở Miền tây Nghệ An thường gọi là một nhóm gồm nhiều loài có hình thái giống cá Mát. Nhóm cá này theo Mai Đình Yên (1978) bao gồm hai giống Onychostoma với 6 loài và giống Gymnostomus có 3 loài phân bố ở miền Bắc Việt Nam [1]. Nhưng theo nghiên cứu của Kottelat (2013) [2] cho rằng ở Việt Nam chỉ có 6 loài: Onychostoma babeensis Hao, 2001; Onychostoma elongatum (Pellegrin & Chevey, 1934); Onychostoma fangi Kottelat, 2000; Onychostoma leptura (Boulenger, 1900); Onychostoma ovale Pellegrin & Chevey, 1936 và Onychostoma uniforme (Mai, 1978) thuộc giống Onychostoma. Theo Nguyễn Thái Tự (1983) nhóm cá này thuộc giống Onychostoma có gồm 4 loài  phân bố ở lưu vực sông Lam [3]. Còn theo Hồ Anh Tuấn, Hoàng Xuân Quang (2007) nhóm cá này thuộc 2 giống Varicorhinus có 4 loài và giống Scaphiodonichthys có 2 loài phân bố ở  Tây Bắc Nghệ An [4]. Các công trình nghiên cứu kết hợp với các chuyến đi nghiên cứu tại hiện trường, thì cá Mát ở khu vực Miền tây xứ Nghệ có thể là loài Onychostoma gerlachi (Peters 1881) phổ biến và có sản lượng nhiều nhất so với các loài còn lại trong nhóm và được danh lục đỏ IUCN xếp hạng Near Threatened. Kết quả khảo sát và phân tích các đặc điểm sinh học, bước đầu có thể xếp cá Mát ở Tam Hợp thuộc loài Onychostoma leptura (Boulenger, 1900) [5]. Cá Mát ở Tam Hợp lớn chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất cũng chỉ nặng từ 500- 800 g.

Cá Mát sống từng đàn ở các khe hốc đá nơi nước chảy xiết, nền sỏi cát sạch. Cá Mát thường kiếm ăn vào ban đêm bắt đầu khi trời tối theo đàn, chúng ăn các loại côn trùng trên mặt nước, rong rêu bám vào đá hoặc giun đỏ (người dân dùng làm mồi câu). Hàm dưới cá Mát rất cứng, sắc nên khi ăn, cá chỉ cần lượn mình sát các hòn đá ở dưới dòng nước chảy, cạp mạnh khiến cho đá suối có nhiều vết nhỏ màu trắng. Cá Mát sinh sản mỗi năm 1 lứa vào mùa xuân khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, mỗi lần đẻ trứng nở cả ngàn con, trứng nhỏ bằng hạt kê, vàng óng. Cá lớn nhanh và xuất hiện nhiều mùa khô tháng 4 đến tháng 6.

 

Một số loài cá Mát điển hình 

Cá Mát là loài cá đặc sản, quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao (120.000 -150.000 đồng/kg với cỡ cá 200 g/con) [5]. Thịt cá Mát trắng, thơm, không tanh, lành và nhiều chất dinh dưỡng, xương cá rất cứng và ít xương, mỡ béo là nguồn thức ăn bổ dưỡng được nhiều người ưa thích. Cá Mát ngon nhất là phần đầu vì đầu cá Mát rất mềm, mùi vị thơm ngon, bùi, béo.

Đặc biệt, ăn cá Mát có tác dụng lợi sữa, hạn chế các chứng bệnh về tim mạch, rất thích hợp cho người già. Ở Miền Tây Nghệ An nói chung, xã Tam Hợp nói riêng cá Mát được khai thác từ các khe, suối ở thượng nguồn nên có vị thơm ngon riêng, trở thành các món ăn đặc sản với thương hiệu “Cá Mát sông Giăng”, “Cá Mát Nghệ An”, “Cá Mát miền Tây xứ Nghệ” tại các nhà hàng, quán ăn phục vụ cho thực khách ở nhiều vùng trên cả nước.

Riêng ở Tam Hợp, mặc dù thiên nhiên cùng ban tặng loài cá mát cho người Mông, Khơ Mú… nhưng chính người Thái mới có duyên và làm nên truyền thống ẩm thực với cá Mát với nhiều món ăn thơm ngon nức tiếng. Cá Mát được nướng giòn chấm chẻo (muối hạt, ớt xanh, mắc khén) hoặc để nguyên con nấu với canh rau rừng ăn có vị đắng – ngọt rất đặc trưng. Ngoài ra, người Thái cũng thường chế biến món “hỏ mọc” hoặc “hỏ cà nạp” truyền thống để phục vụ lễ, tết, đãi khách phương xa.

Cá Mát và những món ăn đặc sản miền Tây Nghệ An 

Sách đỏ Việt Nam năm 2007 đã liệt loài cá này ở mức sẽ nguy cấp (VU) cần được bảo vệ ngay. Cá Mát cũng là 1 trong 6 loài thủy sản cần được bảo tồn, phát triển theo Quyết định 5529/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án khung Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh Nghệ An thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 [6]. Mặt khác, loài cá này vẫn chưa thể nhân nuôi, mới chỉ bảo vệ bằng cách cấm đánh bắt ở các khu vực nhất định, nên hiệu quả bảo tồn loài cá này cũng chưa cao.

Năm 2018, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, quy định những ngư cụ khai thác thủy sản phải chấp hành theo Thông tư số 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đồng thời có những chế tài xử phạt đối với những người dân trong và ngoài xã vi phạm. Theo đó, nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Tam Hợp sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Đối với các hộ dân trong xã Tam Hợp, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính.

Các bản làng được thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể, được cắm biển báo cho người dân được biết, cấm khai thác và đánh bắt cá. Những kết quả bước đầu đã làm hồi sinh đàn cá Mát trên suối Chà Lạp, cá phát triển rất nhanh, mỗi mét vuông mặt nước ước khoảng trên 20 con. Sự hồi sinh nhanh chóng của loài cá Mát cùng với các loài cá khác như cá pộp, cá lăng, cá lệch… góp phần vào cải thiện thu nhập cho người dân, cho thấy hiệu quả của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo cơ sở vững chắc cho các hoạt động du lịch, thu hút du khách đến với Tam Hợp để ngắm cá Mát, thưởng thức những món ngon đặc sản từ cá Mát.

       Một số loại ngư cụ (lưới, chài, súng săn cá) người dân đánh bắt cá Mát và mô hình “Dân vận khéo năm 2020” bảo vệ và phát triển nguồn lợn thủy sản xã Tam Hợp

Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Tam Hợp nhiều cảnh quan rất hấp dẫn với các dòng suối Chà Lạp, khe Cỏ Khương, sông Tả trong xanh, cùng với thác Kay Đỏn (thác Gà Trắng) nên thơ giữa núi rừng xanh ngắt đã thu hút du khách đến tham quan và thưởng thức các loại đặc sản núi rừng như thịt gà đen, lợn đen, cá Mát, cơm Lam, Măng đắng.

Một số điểm tham quan hấp dẫn du khách đến tham quan

Ngoài ra, xã Tam Hợp có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm: Thái, Khơ Mú, Kinh, Mông, Tày Poọng nên đời sống văn hóa rất phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc truyền thống. Đồng bào Thái ở Tam Hợp luôn có ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc mình, lưu giữ nguyên vẹn các không gian văn hóa với cồng chiêng, câu lăm, điệu khắp, khắc luống cùng bộ trang phục váy áo duyên dáng, gợi cảm ở bản Phồng. Ẩm thực của người Thái rất đặc trưng với thịt nướng, canh ột, canh nhọc, lạp cá, gỏi cá, cá nướng, moọc Thái…ăn với món cơm Lam thơm lừng kết hợp rượu cần mê say. Trong khi đó, dân tộc Mông với trang phục hoa văn sặc sỡ cùng điệu múa xòe đặc trưng, giữa điệu khèn, điệu nhạc âm vang.

Đến với bản người Mông ở Tam Hợp, du khách có dịp được thưởng thức bánh đâm, bánh rán (nếp), bánh ngô cùng với thịt lợn đen, gà đen. Đặc biệt, khách phương xa cũng có thể được đem về các sản vật rừng núi như ngô tím, dưa chuột, cải thảo, đậu tím, măng… để làm quà hay thưởng thức điệu hát Tơm giai điệu rộn ràng của người Khơ mú; mua sắm các đồ mây đan (ghế, mâm, giỏ bắt cá, giỏ đặt xôi…) rất khéo tay của người Tày Poọng.

Một số món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc

       Nghề truyền thống (mây tre đan, thêu dệt thổ cẩm) được người dân tộc Tày Poọng lưu giữ và phát huy

Tam Hợp có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là con cá Mát. Tuy nhiên, để biến những tiềm năng, lợi thế đó thành hiện thực, vấn đề quy hoạch phát triển, nguồn nhân lực phục vụ du lịch sinh thái, chính sách thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, giao thông, quảng bá hình ảnh Tam Hợp đến với du khách thập phương cần được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự chung tay của người dân Tam Hợp. Đó cũng là một phần mục tiêu Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học trong hoạt động Điều tra, nghiên cứu mô hình bảo tồn và phát triển con cá mát gắn với du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An  thuộc khuôn khổ dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam”. Hoạt động nhằm đánh giá chính xác hiện trạng phân bố và trữ lượng, các sinh cảnh quan trọng để bảo tồn và phát triển loài cá Mát ở Tam Hợp; các yếu tố tác động xấu lên nguồn lợi cá Mát và giải pháp hữu hiệu bảo vệ sự sinh trưởng và phát triển của loài cá Mát; xây dựng được các mô hình bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn lợi cá Mát dựa vào cộng đồng dân cư; xây dựng được kế hoạch phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác và phát triển bền vững nguồn đặc sản tự nhiên cá Mát và những giá trị tri thức, văn hóa bản địa, quảng bá hình ảnh Tam Hợp đến với du khách trong và ngoài tỉnh Nghệ An. Từ đó, thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học Miền tây Nghệ An gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, làm nền tảng phát triển bền vững kinh tế, xã hội, văn hóa cho xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An.

      Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học triển khai các hoạt động Điều tra, nghiên cứu mô hình bảo tồn và phát triển con cá mát gắn với du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”

Với những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho xã Tam Hợp nói riêng, huyện Tương Dương nói chung đã góp phần làm cho miền Tây Nghệ An trở nên hấp dẫn với du khách thập phương tham quan và trải nghiệm hệ thống rừng nguyên sinh (Vườn Quốc gia Pù Mát) được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới năm 2007 nhờ hệ động thực vật đa dạng, phong phú, nhiều loài đặc hữu, được ghi vào Sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, nhu cầu du lịch sinh thái cộng đồng, gần gũi với thiên nhiên và tìm về bản sắc văn hoá dân tộc ngày càng cao của du khách là cơ hội phát triển cho xã Tam Hợp, khi bảo tồn và phát triển tốt nguồn lợi cá Mát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và biết kết nối với các điểm du lịch khác ở Miền tây Nghệ An như Thác Khe Kèm (Con Cuông), thủy điện Bản Vẽ; rừng Săng lẻ (Tam Đình)… Hy vọng các tour du lịch sẽ hấp dẫn với du khách, đi một lần và nhớ mãi.

Hình ảnh: Hồ Đình Quang, Hồ Anh Tuấn, Hồ Thị Phương

 

Tài liệu tham khảo

[1] Mai Đình Yên, Định loại cá nước ngọt các tỉnh phía bắc Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1978.

[2]. Maurice Kottelat, The fishes of the inland waters of Southeast Asia: A catalogue and core bibliography of the fishes known to occur in freshwaters, mangroves and estuaries, The Raffles Bulletin of Zoology Suppl. 27, pp.1-663, 2013.

[3]. Nguyễn Thái Tự, Khu hệ cá lưu vực sông Lam, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Sinh học, Trường Đại học tổng hợp – Đại học quốc gia Hà Nội, 1983.

[4]. Hồ Anh Tuấn, Hoàng Xuân Quang, Lê Văn Đức, Đinh Duy Kháng, Đặc điểm hình thái phân loại giống cá Đục ngộ (Hemibarbus Bleeker) ở lưu vực sông Con tỉnh Nghệ An, Hội nghị toàn quốc về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lần thứ 2, Nxb Nông nghiệp, trang 2006-2006, 2007.

[5]. Võ Văn Bình, Nguyễn Hải Sơn, Nguyễn Quang Huy, Nghiên cứu đặc điểm sinh học cá Mát (Onychostoma laticeps Gunther, 1896), Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam,  số 17(8), trang 637 – 644, 2019.

[6]. UBND tỉnh Nghệ An, Quyết định số 5529/QĐ-UBND, Quyết định về việc phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh Nghệ An thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020, ngày 22 tháng 11 năm 2013.