Tuy nhiên, hiện nay, du lịch cộng đồng đang đối diện với thách thức lớn là làm sao để đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ du lịch, tăng nguồn thu cho người dân.
Hiện nay, tại Nghệ An đã hình thành hệ thống với vài chục điểm du lịch cộng đồng ở nhiều huyện khác nhau, tập trung chủ yếu ở miền núi. Huyện Con Cuông có các điểm: Bản Nưa (xã Yên Khê), bản Thái Sơn 1, bản Thái Sơn 2, bản Xiềng, bản Búng, bản Cò Phạt (xã Môn Sơn),… Huyện Tương Dương có các điểm: Bản Chắn, bản Mác, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con (xã Lưu Kiền), bản Phồng (xã Tam Hợp),… Huyện Kỳ Sơn có các điểm: Bản Na (xã Hữu Lập), bản Xiềng Tắm, bản Yên Hòa (xã Mỹ Lý)…
Miền núi Nghệ An không chỉ có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp, hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử văn hóa, mà còn là nơi lưu giữ được nhiều nét đặc sắc về văn hóa tộc người. So với nhiều vùng khác, sự phát triển của kinh tế thị trường ở miền núi Nghệ An còn chậm nên văn hóa dù có biến đổi nhưng chưa mạnh mẽ, nhiều cộng đồng vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó chính là cơ sở để xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng, nhưng con đường đi của du lịch cộng đồng ở miền núi Nghệ An diễn ra như thế nào cho phù hợp và hiệu quả là một câu hỏi lớn.
Nói đến phát triển du lịch cộng đồng thì phải nhấn mạnh đến vai trò của vốn văn hóa cộng đồng. Vốn văn hóa cộng đồng còn là cơ sở nền tảng quyết định đến quá trình đa dạng hóa các hoạt động kinh tế gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng. Nếu như không thể phát triển được các sản phẩm hàng hóa nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch thì sẽ khó để thu hút du khách và cũng không thể giữ chân du khách. Muốn du lịch cộng đồng hiệu quả thì cần phải có nhiều dịch vụ, nhiều hàng hóa tại chỗ để đáp ứng nhu cầu của khách. Và những dịch vụ, hàng hóa đó cần gắn với bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương.
Ở xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai), du lịch cộng đồng phát triển gắn với phát triển các dịch vụ và hàng hóa từ kinh tế dược liệu mà thuốc tắm là tiêu biểu. Bên cạnh đó là các sản phẩm thủ công nghiệp như thổ cẩm. Hay ở bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) sản xuất thổ cẩm giữ vai trò quan trọng, bên cạnh đó còn có 13 loại hàng hóa khác nhau được người dân sản xuất và buôn bán, cùng với 11 loại dịch vụ người dân xây dựng để phục vụ du khách.
Ở bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), đang trong giai đoạn định hình sự phát triển nên việc lựa chọn dịch vụ, sản phẩm nào là một yếu tố quan trọng. Du lịch cộng đồng phát triển thì đương nhiên sẽ thu hút rất nhiều loại hàng hóa từ nhiều nơi khác đến. Cả Tả Phìn hay bản Lác đều có rất nhiều hàng hóa Trung Quốc và nhiều vùng khác đến, nhưng cũng phải có những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Không xây dựng được sản phẩm dịch vụ, hàng hóa đặc trưng từ vốn văn hóa cộng đồng sẽ khó phát triển du lịch và cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại hàng hóa khác nhập vào gây ảnh hưởng và làm thất thu đối với người dân địa phương.
Nhìn lại, sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Nghệ An vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa nhằm phục vụ du khách. Hầu hết ở các địa điểm phát triển du lịch cộng đồng, với sự tư vấn của nhiều chuyên gia nên cũng đã xây dựng được một hệ thống sản phẩm du lịch khá đa dạng. Từ tham quan thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên, trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa sản xuất hay thưởng thức các đặc sản từ văn hóa ẩm thực và các sinh hoạt nghệ thuật truyền thống nhưng về cơ bản, nguồn thu của người dân vẫn tập trung vào dịch vụ ăn uống, biểu diễn văn nghệ hay một vài trải nghiệm văn hóa địa phương.
Các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng xa xỉ, hàng lưu niệm để đáp ứng nhu cầu của khách vẫn còn vô cùng hạn chế. Các mặt hàng thủ công nghiệp, hàng mỹ nghệ và cả những đặc sản để có thể trở thành hàng hóa phục vụ phát triển du lịch cần có một chiến lược phát triển gắn với nguồn vốn văn hóa cộng đồng. Nếu làm tốt việc này sẽ tạo ra một nguồn thu lớn cho người dân.
Theo khảo sát ở Tả Phìn và bản Lác, khi một du khách chi tiêu 100 nghìn đồng tại đây, thì có 45 nghìn đồng cho các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và tham quan đã được cố định, 25 nghìn đồng cho các dịch vụ trải nghiệm và tắm thuốc, 25 nghìn đồng mua đồ lưu niệm và hàng hóa văn hóa địa phương, còn lại là chi phí cho các khoản khác. Như vậy có thể thấy việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ văn hóa đặc trưng chiếm đến một nửa doanh thu trong hoạt động du lịch cộng đồng. Và cũng để thấy, du lịch cộng đồng ở Nghệ An mới khai thác được 50% tiềm năng khi chưa thể đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ văn hóa du lịch.
Trong thời gian gần đây, việc đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa và dịch vụ văn hóa du lịch cũng bắt đầu được quan tâm. Nhiều nơi đã kết hợp các hoạt động nông nghiệp với hoạt động du lịch cộng đồng hay tạo sức hút từ các sinh hoạt văn hóa như các lễ hội truyền thống, tổ chức các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa mới dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống để hấp dẫn du khách.
Và thực tế, các lễ hội hoa quả, lễ chọi trâu, các hội chợ phiên ở địa phương cùng nhiều sinh hoạt văn hóa khác đã thu hút được một lượng khách khá lớn. Tuy nhiên, doanh thu tăng chậm vì còn thiếu những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ văn hóa hấp dẫn để du khách không ngại mà tiêu tiền.
Có nhiều nguyên do trong đó có sự mất mát của các ngành nghề thủ công truyền thống cũng như thiếu sự sáng tạo, đổi mới, cách tân làm cho các sản phẩm thủ công vốn trước đây chỉ phục vụ sinh hoạt và sản xuất nay phải trở thành các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm lưu niệm. Trong tương lai, để du lịch cộng đồng tại Nghệ An phát triển, cần đầu tư chất xám vào các hoạt động để không chỉ nghiên cứu về bản sắc văn hóa cộng đồng mà còn phải sáng tạo ra các loại hàng hóa từ bản sắc văn hóa nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đó là con đường tất yếu phải đi, cũng là thách thức mà du lịch cộng đồng tại Nghệ An phải vượt qua để phát triển.
Bài, ảnh: Trần Hoài – Bùi Hào
Báo Quân đội nhân dân – qdnd.vn