Nam Định: Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển, quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP

Với cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình “mỗi xã một sản phẩm OCOP” để góp phần phát triển, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP về trà của Hợp tác xã dược liệu sinh thái Ngọc Trà, xã Hải Tây (Hải Hậu)

Sau hơn 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với số lượng sản phẩm OCOP tăng đều qua từng năm và chất lượng cũng không ngừng được cải thiện, nâng cấp. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 235 chủ thể là cơ sở sản xuất ở 10 huyện, thành phố. Để đạt được kết quả trên, công tác thông tin về các sản phẩm OCOP của tỉnh thường xuyên được tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định, các cơ quan thông tấn Trung ương; tuyên truyền tại các hội nghị chuyên đề của các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện; trên website của Chương trình OCOP của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn Chương trình OCOP của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tư vấn, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tham gia thực hiện Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP bằng nhiều hình thức linh hoạt trực tiếp hoặc trực tuyến qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Zalo, Facebook…

Trong giai đoạn 2019-2023, Sở NN và PTNT phối hợp với các sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 11,5 tỷ đồng (từ nguồn kính phí mục tiêu quốc gia xây dựng NTM) cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên để phát triển sản phẩm toàn diện về chất lượng, mẫu mã bao bì, nguồn nguyên liệu, quảng bá, phân phối sản phẩm và hỗ trợ tạo mã QR code phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, một số huyện cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP như: huyện Ý Yên thưởng 10 triệu đồng cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; huyện Hải Hậu hỗ trợ kinh phí các cơ sở sản xuất xây dựng các video clip để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; huyện Giao Thủy thưởng 20 triệu đồng/sản phẩm OCOP 3 sao, 30 triệu đồng/sản phẩm OCOP 4 sao, 50 triệu đồng/sản phẩm OCOP 5 sao…

Xác định công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP là bước cuối quan trọng của chu trình OCOP thường niên, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên không gian mạng. Ngoài việc hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành phố, các sở, ngành chức năng đã chú trọng tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến (online). Hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn và trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Shopee… Phối hợp tổ chức ngày hội bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP”; chương trình livestream “Chợ phiên OCOP tỉnh Nam Định” tại fanpage “Sản phẩm OCOP Nam Định” trên nền tảng mạng xã hội Facebook…

Hiện toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử. Tiêu biểu như các sản phẩm OCOP: “Cáy mật Cô Hồng”, “Mật ong sú vẹt Bắc Hồng”, “Tinh bột nghệ Bắc Hồng” của hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Bắc, xã Hoành Sơn (Giao Thủy) được kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok. Anh Nguyễn Tiến Bắc, chủ hộ kinh doanh chia sẻ: “Nhờ đưa sản phẩm lên không gian mạng để giới thiệu, quảng bá và kinh doanh nên người tiêu dùng biết đến sản phẩm của gia đình nhiều hơn. Khách chỉ cần vào trang, xem mặt hàng, lựa chọn và “chốt đơn” trực tuyến, để lại địa chỉ là gia đình hợp đồng với đơn vị vận chuyển đưa hàng đúng chất lượng như đã giới thiệu đến tận tay người tiêu dùng. Kinh doanh cả 2 phương thức truyền thống và hiện đại giúp đầu ra sản phẩm của gia đình cũng thuận lợi hơn”.

Có thể nói, việc mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức đã giúp sản phẩm OCOP Nam Định đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước. Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại làm động lực và chuyển đổi số là nền tảng đã tạo bước đi vững chắc, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường. Quan trọng hơn là qua kết nối với các kênh phân phối hiện đại, các chủ thể OCOP đã chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các công đoạn sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cũng như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR Code để đáp ứng yêu cầu với sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và thị trường. Từ kết quả đạt được cho thấy, chuyển đổi số đã giúp ngành Nông nghiệp nói chung và các chủ thể sản xuất có khả năng quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, đạt mục tiêu đưa sản phẩm OCOP của địa phương vươn ra thị trường thế giới.

Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website Chương trình OCOP của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng online, livestream. Hỗ trợ xây dựng, thiết lập mã QR code, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức về phát triển các sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Báo Nam Định – baonamdinh.vn