Các sản phẩm OCOP vùng núi Nam Trà My đa dạng, phong phú dễ tiếp cận thị trường và người tiêu dùng |
Sau thời gian nghiên cứu, tra cứu thông tin và phương pháp mới, chị Hồ Thị Thúy Ngân ở xã Trà Mai, huyện Nam Trà My đã thành công với sản phẩm Sâm Ngọc Linh ngâm mật ong. Sản phẩm vừa được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Người trẻ vùng cao làm thương hiệu nông sản chuẩn OCOP
Từ những củ sâm Ngọc Linh già trồng được 4-5 năm ở vườn nhà, hay thu mua từ các hộ dân chị Thúy Ngân đưa về cơ sở sản xuất. Qua các công đoạn làm sạch, sâm được thái lát mỏng ngâm cùng mật ong bằng phương pháp thủ công và đóng gói, đưa ra thị trường tiêu thụ.
Chị Thúy Ngân cho biết, sâm Ngọc Linh ở núi cao Nam Trà My có giá trị cao. Giá thành sản phẩm khó tiếp cận khách hàng, ít phổ biến ra thị trường phổ thông. Để người tiêu dùng dễ tiếp nhận, lựa chọn chị tìm cách chế biến sâm Ngọc Linh đa dạng sản phẩm, dễ sử dụng.
“So với sâm tươi nguyên củ giá từ vài triệu đến mươi triệu đồng thì sâm ngâm mật ong, giá từ 1-3 triệu người tiêu dùng dễ mua, dễ lựa chọn hơn”
Nhận thấy cây trồng, nông sản bản địa có giá trị kinh tế cao, chị Thúy Ngân quyết định tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm của huyện. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị của chị đã có hai sản phẩm đạt chuẩn OCOP là Sâm Ngọc Linh mật ong và Gạo đỏ Nam Trà My. Là người trẻ khởi đầu kinh doanh, phát triển thương hiệu mới, chị Ngân chia sẻ: “Tham gia OCOP giúp sản phẩm của cơ sở kinh doanh của tôi được công nhận, có uy tín và khách hàng tin tưởng. Với tôi, OCOP có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng uy tín để tiếp cận thị trường và khách hàng vững vàng hơn”.
Sâm Ngọc Linh được chế biến thành nhiều sản phẩm với các khung giá đa dạng giúp người tiêu dùng dễ lựa chọn hơn |
Từ sản phẩm phụ là lá sâm Ngọc Linh, chị Trần Thị Hải Thủy, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My thu mua của người dân và sản xuất thành Trà túi sâm Ngọc Linh. Lá sâm sau khi phơi khô, chị ủ theo phương pháp riêng và sấy, nghiền. Trà túi sâm Ngọc Linh đóng gói mỗi hộp 30g vừa được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Chị Hải Thủy chia sẻ, trước đây người tiêu dùng mua lá sâm ủ làm trà theo phương pháp truyền thống để dùng và không giữ được lâu. Việc chế biến sâu lá sâm thành trà túi lọc giúp người tiêu dùng dễ sử dụng, bảo đảm an toàn.
“Tôi vừa nhận đơn hàng 600 hộp trà túi lọc sâm Ngọc Linh, năm sau sẽ nhiều hơn. Chương trình OCOP giúp tôi được tiếp cận nguồn vốn, sản phẩm được công nhận, cơ hội tham gia sàn thương mại, gặp nhiều khách hàng hơn. Tôi đang hướng đến nâng lên chuẩn 4 sao, hình thành nhà máy chuẩn quy trình sản xuất trà túi lọc sâm Ngọc Linh”, chị Hải Thủy khẳng định.
Nâng giá trị nông sản bản địa để mở rộng thị trường
Sau nhiều năm thực hiện, đến nay, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam có 25 sản phẩm OCOP; trong đó có 24 sản phẩm đạt 3 sao, một sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP đặc trưng bản địa như: mật ong Trà My, cao đảng sâm, tinh dầu quế Ngọc Dơn, trà túi lọc Chè dây, gạo đỏ Nam Trà My… Sản phẩm OCOP mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường và người tiêu dùng.
Toàn huyện Nam Trà My có tổng sản lượng sản xuất các sản phẩm OCOP hơn 11.300 đơn vị sản phẩm. Tổng doanh thu trung bình của các sản phẩm đạt 1,1 tỷ đồng mỗi năm. Thị trường tiêu thụ chính sản phẩm OCOP huyện Nam Trà My chủ yếu cung ứng trong tỉnh, các thành phố lớn như: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc.
Đối với miền núi cao Nam Trà My, hàng nông sản chuẩn OCOP với doanh thu hàng tỷ đồng là bước phát triển ngoạn mục. Điều đó khẳng định hướng đi đúng của chính quyền địa phương cơ sở, mở ra cơ hội mới để củng cố và phát triển hàng hóa bản địa của vùng cao.
Ưu tiên cho phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm với mục tiêu nâng cao thu nhập cho nhân dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, huyện Nam Trà My đã dành kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng cùng sự tham gia của nhiều chủ thể.
Tuy chưa có sự chuyển biến nhiều về kinh tế nhưng chọn lựa phát triển mạnh nông sản theo chuẩn OCOP giúp thay đổi dần nhận thức của người dân, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trên vùng cao của tỉnh Quảng Nam. Qua đó, giúp người dân hiểu và thực hiện quy chuẩn trong sản xuất sản phẩm như: đăng ký sở hữu trí tuệ, thiết kế bao bì, nhãn mác; phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm….
“Tham gia chương trình OCOP giúp các cơ sở sản xuất nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với sản phẩm làm ra và đối với người tiêu dùng. Sản phẩm OCOP hiện nay cơ bản đảm bảo các tiêu chí, mẫu mã sản phẩm đẹp hơn, chất lượng tốt hơn và đáp ứng được nhiều đối tượng người tiêu dùng”, đồng chí Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Trà My khẳng định.
Các chủ thể tham gia OCOP tiếp cận nguồn vốn, cơ hội tham gia sàn thương mại để mở rộng thị trường |
Trong những năm đến, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chú trọng nâng cấp sản phẩm OCOP hiện có, khảo sát định hướng phát triển những sản phẩm có tiềm năng. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm chế biến từ cây dược liệu địa phương theo chuỗi giá trị và gia tăng giá trị; gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ trong quy trình chuỗi sản xuất, thương mại hóa tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ở những vùng sâu Trà Cang, Trà Vân, Trà Leng huyện Nam Trà My cũng nỗ lực tham gia OCOP để nâng dần giá trị nông sản bản địa. “Năm 2024 xã phấn đấu có 1-2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Chúng tôi đưa ra mục tiêu thực hiện để nâng giá trị cây bản địa, vừa đủ điều kiện tiêu chí xã nông thôn mới”, đồng chí Ngô Tấn Lạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Cang chia sẻ.
Huyện Nam Trà My cũng ưu tiên phát triển và chế biến các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh trên 500ha, với 1.000 hộ tham gia; nhân rộng sản phẩm quế Trà My trên 1.000ha; phát triển du lịch cộng đồng liên kết vùng quế Trà My và sâm Ngọc Linh, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Xê Đăng trên diện tích 500ha, với 200 hộ tham gia. Đến năm 2025, vùng núi cao này kỳ vọng có 30 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao và một sản phẩm đạt 5 sao cấp Quốc gia; đưa cây sâm Ngọc Linh và cây quế Trà My trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Nam Trà My trong giai đoạn mới.
Đông Huyền
Báo Nhân dân điện tử – nhandan.vn