Là huyện có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp với nhiều cây, con đặc sản, tuy nhiên, với những khó khăn vốn có của một huyện miền núi, nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, manh mún, giá trị thấp nên để xây dựng thành công nông thôn mới, huyện Lục Yên đã tập trung thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nhất là triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo ông Trần Quốc Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên, hàng năm, bên cạnh công tác chỉ đạo gieo cấy cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lấy bột… đạt và vượt kế hoạch đề ra, Lục Yên còn tập trung triển khai các cơ chế, chính sách, các dự án phát triển sản xuất theo hướng đặc sản hữu cơ, thực hiện chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng giúp nhân dân, các chủ thể có nhu cầu tham gia chương trình hiểu về OCOP, lợi ích cũng như điều kiện cần thiết khi tham gia thì một trong những nguồn lực được Lục Yên thực hiện hiệu quả là Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái về quy định một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025.
Từ chính sách này, riêng năm 2023, huyện đã có 82 cơ sở được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá hoặc đặc sản hữu cơ; triển khai thực hiện Dự án liên kết đầu tư xây dựng vùng sản xuất cam an toàn đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ với diện tích 30 ha, 24 hộ tham gia; Dự án phát triển sản xuất măng tre Bát Độ liên kết theo chuỗi giá trị với diện tích 54 ha tại 2 xã An Phú, Minh Tiến; Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu lá khôi theo chuỗi giá trị tại xã Mường Lai.
Ông Phạm Văn Chinh – Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: Dự án phát triển sản xuất măng tre Bát Độ liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai đã nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững vùng nguyên liệu tre Bát Độ, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân An Phú. Sản phẩm măng được tiêu thụ ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất, tăng độ che phủ rừng, giảm thiểu xói mòn, bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Đến nay, 2 xã đã trồng mới 100 ha tre Bát Độ, đưa tổng diện tích toàn huyện lên trên 250 ha, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Dự kiến, năm 2023, vùng tham gia Dự án sẽ đạt sản lượng trên 200 tấn măng tươi, trị giá trên 1 tỷ đồng. Sản phẩm măng đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trung bình cho thu nhập gần 50 triệu đồng/ha/năm.
Dự án cũng hình thành mạng lưới liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình liên kết sẽ được tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo và là cơ sở thực hiện chuỗi liên kết đối với cây tre măng Bát Độ nói riêng và các sản phẩm nông, lâm nghiệp khác trên địa bàn Lục Yên nói chung.
Cùng với các chính sách của tỉnh, Lục Yên cũng dành ngân sách để triển khai các dự án nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Năm 2023, huyện đã cụ thể hóa chủ trương này bằng việc xây dựng cơ sở sản xuất măng mai an toàn theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP với diện tích 21,05 ha tại 3 xã; Dự án xây dựng cơ sở sản xuất lạc đỏ an toàn theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP với diện tích 22,4 ha tại 10 xã. Hiện, Lục Yên có 600 ha tre măng mai, sản lượng hàng năm đạt khoảng 12.000 tấn, giá trị trên 60 tỷ đồng.
Anh Hoàng Văn Huấn – thôn Khéo Lẹng, xã Lâm Thượng cho biết: Cây măng mai có đặc tính là dễ trồng, phù hợp với cả đất dốc và đất bằng, tốn ít công chăm bón, không sâu bệnh, trồng khoảng 3 – 5 năm là cho thu hoạch và được thu hoạch thường xuyên trong 4 tháng. Vì vậy, gia đình tôi đã đầu tư trồng măng mai, có búi cho thu hoạch tới 2 tạ, giúp chúng tôi có việc làm, thu nhập ổn định.
Chương trình OCOP đã mang lại cho người dân Lục Yên, đặc biệt là những chủ thể có sản phẩm là thế mạnh của địa phương, của vùng được phát huy lợi thế, đồng thời giúp các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
“Thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình OCOP; triển khai chu trình OCOP thường niên; rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản của địa phương, đặc biệt là đặc sản vùng, miền… để phát triển sản phẩm OCOP” – ông Trần Quốc Tuấn cho biết thêm.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Lục Yên xây dựng kế hoạch về tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; tiến hành đưa các vùng sản xuất có khả năng chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, VietGAP… Hiện nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô diện tích ổn định trên 5.100 ha, vùng lạc 100ha và trên 1.000 ha cây ăn quả có múi; có 3 hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn ViepGAP. Toàn huyện có trên 5.000 ha quế, trên 900 ha tre lấy măng, 16 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh… |
Thành Trung
Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn