“Lợi ích kép” cho khu vực nông nghiệp, nông thôn

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP được xác định là giải pháp tối ưu, mang lại “lợi ích kép” cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

 

 Qua đó, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển bền vững.

Gắn kết để cùng phát triển

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, đến nay cả nước đã đánh giá, phân hạng được 9.852 sản phẩm OCOP (Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ NN&PTNT công nhận).

Điều đáng nói là các địa phương đã chú trọng gắn chương trình OCOP với du lịch nông thôn và coi đây là hai mảng không thể tách rời trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiều sản phẩm OCOP có vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, góp phần thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ. Phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP còn góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, trong thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở VHTTDL cùng các đơn vị, tổ chức liên quan khảo sát thực trạng, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ cơ sở hạ tầng một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như: Giếng cổ Gio An tại xã Gio An (Gio Linh); khe Luồi, xã Mò Ó; suối Tà Lao, xã Tà Long; suối Kalu, xã Đakrông (Đakrông); Khe Sanh Valley Farm, thị trấn Khe Sanh; vườn hoa Tà Cơn, xã Tân Hợp; làng du lịch sinh thái Chênh Vênh, xã Hướng Phùng; thác Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa…

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, giai đoạn 2021-2025, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; hướng tới các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, đặc sản và hướng tới phục vụ du khách nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần xây dựng NTM và hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đạt 150 sản phẩm OCOP hạng từ 3-4 sao trở lên. Từ góc nhìn của nhà lữ hành, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam nhận định: Sản phẩm OCOP ở Việt Nam tuy đa dạng nhưng chưa có tính đặc trưng. Ngành du lịch “xanh” đang phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân nhưng nhỏ lẻ, manh mún và có nhiều sự trùng lặp giữa sản phẩm OCOP các xã, huyện.

Để tạo thành thương hiệu

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Thủ tướng đã ban hành quyết định về phát triển du lịch nông thôn. Bộ NN&PTNT cũng đã ký văn bản liên tịch với Bộ VHTTDL để phát triển chương trình này. Bộ NN&PTNT muốn khai thác lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế du lịch nông thôn và là thương hiệu của Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các sản phẩm OCOP.

Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu đáng mừng. Để phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Văn phòng Điều phối Nông thôn mới làm việc với Trường đại học KHXH&NV TP.HCM thành lập trung tâm tập huấn các lớp phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn. Tại Thái Nguyên, hiện nay, phần lớn các hoạt động du lịch cộng đồng, sinh thái của tỉnh đều gắn với “văn hóa trà”. Thông tin từ Sở NN&PTNT Thái Nguyên cho biết, nhiều điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận và đưa vào khai thác phục vụ du khách như: Không gian văn hóa Trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (TP Thái Nguyên); Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (TP Thái Nguyên); Làng văn hóa du lịch Bản Quyên (Định Hóa)… Nhờ chất lượng trà ổn định, các điểm du lịch hấp dẫn đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về tham quan, nhiều du khách đã quay lại hoặc giới thiệu bạn bè, người thân quay lại; các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên cũng theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước.

Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng là địa danh nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử khi đến Điện Biên. Để làm mới và thu hút khách du lịch, những năm gần đây, Sở VHTHDL đã phối hợp với Sở NN&PTNT Điện Biên tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có các sản phẩm OCOP như: Thịt trâu khô; hàng thủ công mỹ nghệ; mây tre đan; cà phê, gạo, chè… Đặc biệt, sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP (cuối năm 2019), sản phẩm chè Shan Tuyết Tủa Chùa (Diệp Thanh trà) không chỉ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn tạo điều kiện để du lịch địa phương phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm với rừng chè cổ thụ hơn 8.000 cây.

Hiện Việt Nam chưa có mô hình du lịch OCOP 5 sao nhưng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam sẽ sớm hình thành được một bộ hồ sơ đạt chuẩn 5 sao, đồng thời cho biết đã có một bộ tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Trước mắt, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam sẽ dành một nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản phẩm du lịch OCOP. Bộ NN&PTNT đã ký với Ngân hàng NN&PTNT và triển khai văn bản đến các địa phương để đưa ra cơ chế hỗ trợ. Những sản phẩm OCOP gắn với mô hình du lịch hấp dẫn đã khiến du khách hài lòng và muốn quay lại sau khi trải nghiệm, tạo thương hiệu cho địa phương đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn.

 Minh Ngọc

Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn