Đoàn công tác tỉnh Ninh Bình tham quan điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP tại huyện Vĩnh Lợi
CHIA SẺ KINH NGHIỆM
Theo tỉnh Ninh Bình, hiện địa phương này có 101 sản phẩm xếp hạng OCOP, gồm 68 sản phẩm hạng 4 sao và 33 sản phẩm hạng 3 sao, 6 sản phẩm OCOP đề xuất Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao. Riêng các sản phẩm khi được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Còn tỉnh Bạc Liêu có 108 sản phẩm OCOP, gồm 23 sản phẩm được công nhận 4 sao và 85 sản phẩm đạt 3 sao.
Điểm chung của 2 tỉnh là đã phân cấp việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao về cho cấp huyện. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tham gia Hội đồng cấp huyện để giúp các địa phương đánh giá, phân hạng sản phẩm đúng thực chất và giá trị sản phẩm. Khó khăn chung của 2 tỉnh là sản phẩm OCOP mặc dù đã có nhưng thay đổi về chất lượng, bao bì, nhãn mác, một số sản phẩm vẫn còn những điểm yếu, nhất là việc tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ…
Hai tỉnh cũng trao đổi về chính sách hỗ trợ các chủ thể trong việc xây dựng sản phẩm OCOP. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu có nhiều chính sách như: hướng dẫn, tập huấn giúp các chủ thể trong việc lập thủ tục, bao bì, nhãn mác, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là ưu tiên các hợp tác xã (HTX) trong tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Còn tỉnh Ninh Bình thì hỗ trợ chi phí cho chủ thể để chuẩn hóa, phát triển sản phẩm được cấp có thẩm quyền công nhận là sản phẩm OCOP được xếp hạng sao. Cụ thể, sản phẩm OCOP hạng 3 sao được hỗ trợ 75 triệu đồng, hạng 4 sao được 85 triệu đồng và hạng 5 sao là 100 triệu đồng. Đây là tiền đề, động lực nhằm động viên các chủ thể, doanh nghiệp, HTX phấn đấu xây dựng các sản phẩm đạt chất lượng theo đúng quy định.
Tại diễn đàn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu và Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Bình đã ký kết hợp tác trong việc liên kết quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa 2 tỉnh Bạc Liêu – Ninh Bình.
Hướng tới, 2 tỉnh Bạc Liêu – Ninh Bình sẽ liên kết cung ứng các sản phẩm OCOP lẫn nhau để quảng bá sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng 2 địa phương…
GIAO LƯU, QUẢNG BÁ SẢN PHẨM
Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…
Các sản phẩm OCOP Ninh Bình: Trà hoa vàng, cơm cháy Phương Linh, tranh lá bồ đề
Với tỉnh Bạc Liêu, các sản phẩm OCOP chủ lực chủ yếu là tôm, lúa, yến sào và các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương. Hiện có 8 sản phẩm được xuất bán đi các nước, đã xây dựng 7 điểm bán hàng sản phẩm OCOP ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và hướng đến xây dựng điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP Bạc Liêu tại Hà Nội.
Các sản phẩm OCOP Bạc Liêu: Tôm khô, muối Bạc Liêu, khô cá kèo. Ảnh: M.Đ
Ông Nguyễn Hữu Dũng – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Việc liên kết, tiêu thụ các sản phẩm OCOP giữa 2 tỉnh rất khả thi. Do đó, tỉnh Ninh Bình mong muốn đưa các sản phẩm OCOP Bạc Liêu ra bán tại các khu du lịch Ninh Bình và ngược lại”.
Hiện Ninh Bình có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng có thể bày bán tại Bạc Liêu như: Tranh lá bồ đề, cơm cháy Linh Phương, ngô nếp tươi sấy, trà hoa vàng Cúc Phương… Còn Bạc Liêu có các sản phẩm OCOP đặc trưng như tôm khô, muối Bạc Liêu, khô cá kèo, yến sào, bánh phồng tôm… có thể bày bán tại các gian hàng OCOP, các điểm du lịch ở tỉnh Ninh Bình…
Minh Đạt
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn