Lào Cai: Phụ nữ dân tộc thiểu số gương mẫu đi đầu phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm OCOP ở vùng cao Bắc Hà ​

Nhằm khơi dậy truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hội phụ nữ huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã và đang đã phát động nhiều phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội trong các cấp Hội, hội viên, phụ nữ trong toàn huyện.

Theo đó, đã xuất hiện nhiều phụ nữ tiêu biểu trong hoạt động phong trào, làm kinh tế giỏi, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp sức xây dựng nông thôn mới vùng cao ngày một khởi sắc.

Hiện nay trên miền cao nguyên trắng Bắc Hà đã và đang nổi lên một số sản phẩm OCOP và cũng là đặc sản đặc trưng địa phương được thị trường trong nước, nhất là khách du lịch ưa chuộng đánh giá cao như chè shan tuyết cổ thụ, sản phẩm mận tam hoa sấy rẻo, rượu mận tam hoa, cốm… và thật tự hào đây chính là những sản phẩm của những phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số đã chắp cánh thương hiệu nông sản địa phương, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào…

Tấm gương tiểu biểu nổi bật phải kể đến đó là chị Sải Thị Bích Huế, sinh năm 1989, dân tộc Phù Lá, Chủ nhiệm HTX Quang Tôm, xã Tà Chải, là người đi đầu trong việc đưa thương hiệu nông sản vùng cao Bắc Hà “bay xa”. Năm 2021, chị Huế xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao (mận tam hoa sấy dẻo); năm 2022, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ cao nguyên trắng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Đầu tháng 9 vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức trao giải chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” cấp vùng khu vực miền Bắc năm 2023. Lào Cai có 1 dự án vào chung kết vùng và giành giải Khuyến khích. Đó là Dự án “Phát triển thương hiệu Trà Trên Núi và bảo tồn cây chè cổ thụ Shan tuyết tại huyện Bắc Hà” của Hợp tác xã Quang Tom, thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà do chị Sải Thị Bích Huế làm chủ.


Từ nguyên liệu búp trà Shan tuyết cổ thụ tại địa phương, Hợp tác xã Quang Tom đã làm ra nhiều loại sản phẩm như: Lục shan trà, Hồng shan trà, Bạch shan trà, trà phổ nhĩ…

Dự án hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững ngành sản xuất chè ở khu vực huyện Bắc Hà, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao nhận thức của đồng bào về việc bảo tồn cây chè cổ thụ.

Trong câu chuyện, ngược dòng thời gian những ngày đầu khởi nghiệp, chị Huế trải lòng nặng lòng với mận Tam hoa – loại cây cùng với cây chè Na Lo đã góp phần giúp gia đình nuôi chị lớn lên và trang trải học phí để chị được đi học. Kỷ niệm tuổi thơ của chị gắn bó với cây mận nơi đây, cùng chứng kiến và trải qua thăng trầm với cây mận, chè, chị Sải Thị Bích Huế, giám đốc Hợp tác xã Quang Tôm cho biết.

Bắc Hà được xem là thủ phủ mận Tam hoa của Lào Cai, với sản lượng tương đối lớn, khoảng 3.560 tấn/năm. Ở vùng đất “cao nguyên trắng” này, mận Tam hoa bắt đầu chín từ đầu tháng 5, nhưng chín rộ nhất vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, mận chỉ cho thu hoạch 1 mùa/năm trong thời gian khoảng 2 tháng và chỉ được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, ăn ngay, mặt khác quả mận rất khó bảo quản do vỏ mỏng, dễ dập vỡ và hỏng khi vận chuyển đi xa.

Chị cũng thấy những năm gần đây với sự phát triển của thị trường và đặc biệt là ngành du lịch, mận Bắc Hà được nâng tầm giá trị và thương hiệu, giá thành mận Tam hoa từng bước được nâng cao. Thế nhưng năm 2020, 2021, dịch COVID-19 đã thực sự “làm khó” trong việc tiêu thụ nông sản Lào Cai nói chung và mận Tam hoa Bắc Hà nói riêng. Chứng kiến người dân điêu đứng, quả tươi chất đống không có đầu ra, cô gái Phù Lá Sải Thị Bích Huế đã mạnh dạn đứng ra thu mua sản phẩm để chế biến sâu. Tháng 6/2021, Hợp tác xã Quang Tom với 7 thành viên do chị điều hành chính thức đi vào hoạt động. Cuối năm 2021, Chị Huế đã xây dựng thành công sản phẩm ocop 3 sao mận tam hoa sấy dẻo, mở ra cơ hội mới đưa sản phẩm ra thị trường.

Tiếp đó, từ năm 2022 đến nay, chị Huế tập trung vào xây dựng và phát triển thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Bắc Hà. Chị Sải Thị Bích Huế, giám đốc Hợp tác xã Quang Tôm cho biết qua tìm hiểu được biết hiện toàn huyện Bắc Hà còn khoảng 40 ha chè Shan tuyết cổ thụ, có gần 700 ha chè Shan tuyết hữu cơ tập trung chủ yếu ở các xã Bản Liền, tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố…Tuy nhiên, chè Shan tuyết cổ thụ Bắc Hà vốn nổi tiếng lâu nay, nhưng nhược điểm lớn nhất là chưa có sản phẩm được chế biến, thương hiệu, tem, nhãn… thị trường tiêu thụ, giá thành thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế hạn chế… Với mong muốn tiếp giải quyết đầu ra cho ổn định cho sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, góp phần phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững, Hợp tác xã Quang tôm đã mạnh dạn xây dựng thành công sản phẩm ocop 3 sao này.

Hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân có chè Shan trên địa bàn, nhất là ở vùng chè Shan tuyết cổ thụ xã Tả Củ Tỷ để thu mua chè tươi, rồi hướng dẫn bà con chăm sóc thu hái đúng kỹ thuật. Toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến của Hợp tác xã đều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo nguyên tắc “ba không”, gồm: Không có sâu bệnh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, không pha tạp. Trong quá trình sản xuất, luôn đặt ra mục tiêu đổi mới tư duy và phương thức sản xuất để cho ra thành phẩm những sản phẩm chè Shan tuyết có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái. Hợp tác xã hiện đã xây dựng thành công và được công nhận sản phẩm ocop tiêu chuẩn 3 sao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, nhất là Hồng Trà, bạch Trà, chè đen được người tiêu dùng Hà Nội, Sài Gòn, thành phố Lào Cai ưa chuộng.

Tấm gương nổi bật thứ 2 hiện nay phải kể đến là chị Lù Thị Tươi, sinh năm 1989, dân tộc Tày, thôn Na Lo, xã Tà Chải. Xuất phát từ ý tưởng phát triển nghề làm cốm truyền thống gắn với kinh doanh du lịch Bắc Hà, chị Tươi đã xây dựng thành công thương hiệu cốm Bắc Hà. Việc phát triển nghề cốm còn nhằm tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người dân tộc thiểu số.


Chị Lù Thị Tươi nỗ lực nâng tầm sản phẩm cốm- khẩu rang Na Lo

Tới thăm cơ sở, trong câu chuyện, chị Tươi chia sẻ: “Để làm ra đặc sản cốm Bắc Hà, gia đình chúng tôi đã lựa chọn những hạt lúa nếp bảo đảm về độ dẻo, thơm. Sản phẩm của chúng tôi nói không với đột biến gene, chất bảo quản, chất hóa học tạo ngọt, tạo màu, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay. Sản phẩm hướng tới đáp ứng mọi lứa tuổi, đặc biệt là khách hàng ở các thành phố lớn. Chúng tôi tập trung xây dựng chất lượng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm của khách hàng tới sản phẩm”.

Năm 2021, sản phẩm cốm – khẩu rang của chị Tươi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện chị Tươi đang tiếp cận các thị trường tiềm năng như quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội: facebook, tiktok, zalo, các sàn thương mại điện tử và trưng bày sản phẩm tại các hội chợ nhằm bán và giới thiệu đến khách tham quan. Cùng với đó là xây dựng hệ thống phân phối nhằm mở rộng thị trường.

Những tấm gương nêu trên chỉ là một trong rất nhiều những điển hình phụ nữ người dân tộc thiểu số vùng cao Bắc Hà tiêu biểu trong hoạt động phong trào, làm kinh tế giỏi. Các chị em mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao. Qua đó, giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, giúp họ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội; góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, “Nông thôn đáng sống”./.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai