Ngôi nhà trình tường được làm bằng gỗ, xung quanh được bao bọc bởi lớp trình tường đất dày, mái lợp ngói âm dương.
Ngôi nhà của ông Giàng A Ly có 2 tầng, 4 dãy nhà nối tiếp, vuông góc nhau. Khung nhà được làm bằng gỗ, xung quanh được bao bọc bởi lớp trình tường đất dày, mái lợp ngói âm dương. Không đơn giản là nơi sinh hoạt thường ngày của gia đình, căn nhà này còn là nơi tổ chức công việc chung trong thôn và các hoạt động dịp lễ, Tết, ngày hội đại đoàn kết. Ông Giàng A Ly, thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai tâm sự: “Tôi cố gắng giữ gìn không cho con cháu phá đi để làm cái khác, con cháu muốn làm thì làm ở chỗ khác. Nhà của tôi luôn chào đón mọi người đến tham quan, chụp hình”.
Thiết kế theo kiểu hình vuông rất độc đáo.
Ngoài ngôi nhà của gia đình ông Giàng A Ly, tại thôn Mào Sao Phìn – ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi của dân tộc Mông Sín Chéng, hiện vẫn có nhiều nhà trình tường đất đã lâu năm, nhiều căn nhà có diện tích rộng, được thiết kế theo kiểu hình vuông. Nét kiến trúc độc đáo này đã thu hút nhiều kiến trúc sư đến tìm hiểu, nghiên cứu cũng như nhiều du khách đến tham quan. Ông Thào A Tráng, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: “Xã thường xuyên tuyên truyền đến bà con giữ gìn các ngôi nhà cổ, qua đó tạo được các sản phẩm du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới xã cũng sẽ đề xuất với các cấp, các ngành để cho bà con có chế độ, hỗ trợ bà con duy tu bảo dưỡng các ngôi nhà cổ này”.
Du khách đến tham quan, chụp ảnh tại nhà trình tường.
Với cảnh quan tươi đẹp, những nét văn hóa mộc mạc, đơn sơ, những năm gần đây, những ngôi làng như Mào Sao Phìn (xã Sín Chéng), Cán Chư Sử (xã Cán Cấu), Seng Sui (xã Lùng Thẩn), Sín Chải (xã Bản Mế) ngày càng thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, tại các thôn, bản chưa có cơ sở lưu trú để “níu” chân du khách. Vì thế, du lịch cộng đồng của Si Ma Cai chủ yếu mới dừng lại ở mức tiềm năng. “Năm 2023, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện sẽ đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng và huy động xã hội hóa thêm 300 triệu đồng để hỗ trợ 3 làng du lịch cộng đồng xây dựng hạ tầng; đồng thời xây dựng điểm dừng chân ngắm cảnh tại xã Sán Chải với tổng kinh phí đầu tư 950 triệu đồng”, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai nói.
Từ nay đến năm 2025, huyện Si Ma Cai phấn đấu xây dựng 3 sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và nông nghiệp trải nghiệm.
Để đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng, huyện Si Ma Cai đã xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng 2 làng du lịch văn hóa cộng đồng, 1 làng du lịch gắn với di tích lịch sử và 3 làng du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp. Địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu và tích cực vệ sinh môi trường nông thôn, tạo không gian “xanh – sạch – đẹp” để thu hút khách.
Thanh Nhàn
Đài Phát thanh – Truyền hình Lào Cai – laocaitv.vn