Các homestay tại Y Tý được thiết kế theo kiến trúc nhà ở truyền thống của người Hà Nhì.
Vùng cao Y Tý được ví như “thiên đường mây” của vùng Tây Bắc. Những nét đẹp hoang sơ, kì vĩ của thiên nhiên và văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số khiến nơi đây trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách muốn khám phá, trải nghiệm. Thế nhưng trên thực tế, lượng khách đến Y Tý vẫn còn khá khiêm tốn. “Số lượng khách đến với thôn du lịch rất ít vì khách chỉ đến đây để ngắm hai cây hạnh phúc rồi về chứ ít khi lưu trú lại homestay”, anh Sần Hờ Lù, chủ homestay Sần Lù, xã Y Tý, huyện Bát Xát cho biết.
Đánh giá khách quan, nguyên nhân chính khiến lượng khách đến với các điểm du lịch cộng đồng ở Y Tý hạn chế xuất phát từ những bất cập về cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều đoàn khách phải di chuyển cả trăm cây số để đến Y Tý, nhưng lại chưa thỏa mãn khi nơi đây thiếu các dịch vụ du lịch thiết yếu. “Ở Y Tý, tôi thấy đang thiếu các điểm check-in. Ví dụ có thể xây dựng điểm check-in Cột mốc 87 – đây cũng là điểm có thể thu hút khách du lịch đến Y Tý nhiều hơn”, chị Nguyễn Mai Thoan, du khách thành phố Lào Cai nói.
Để thúc đẩy du lịch cộng đồng, cần có sự quan tâm đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng cung cấp dịch vụ.
Trên thực tế, các hạng mục như: cung đường trekking, điểm check-in hay không gian bảo tồn văn hoá đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn cũng như tư duy làm du lịch chuyên nghiệp và bài bản. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hiện chưa có dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Vậy nên giải pháp trước mắt được địa phương chú trọng là kêu gọi xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. “Hiện đã có quy hoạch chung, nhưng chúng tôi đang chờ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư. Thứ hai, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thiện kết nối về giao thông, tạo thuận lợi nhất cho du khách”, bà Bàn Thanh Thảo, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho hay.
Du lịch cộng đồng đang tạo sinh kế bền vững cho hàng nghìn hộ dân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao. Bởi vậy, để thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển, cần có sự quan tâm đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng cung cấp dịch vụ thì mới có sức hút và giữ chân khách du lịch.
Trung Kiên – Xuân Anh
Đài PT-TH Lào Cai – laocaitv.vn