Bước lên những bậc đá, đi lên đồi cao, qua cánh cổng bằng gỗ có ghi dòng chữ “Làng văn hóa Churu”, một không gian tươi đẹp hiện ra với những ngôi nhà đơn sơ quây quần, ôm lấy khoảng sân rộng. 5 căn nhà gỗ mô phỏng kiến trúc nhà ở truyền thống của người Churu, cột kèo bằng gỗ lim, sàn vách ván gỗ, tạo nên khung cảnh một làng Churu thu nhỏ. Tất cả được dựng lên trên mặt đồi phẳng, được bao trùm bởi rừng thông xanh mát, hướng hồ Pró mênh mông quanh năm gió lộng. Mặt hồ phẳng lặng, xung quanh là rừng nguyên sinh xanh thẫm. Phong cảnh hữu tình, những giá trị văn hóa hòa quện trong cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trong lành.
Với kinh phí gần 7 tỷ đồng, trong đó, 6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương, 1 tỷ đồng từ ngân sách huyện đối ứng, năm 2018, Làng văn hóa Churu được khởi công; năm 2021, công trình hoàn thành, đi vào hoạt động bao gồm một nhà lớn trưng bày hiện vật, các nhà tổ chức sinh hoạt gia đình và cộng đồng, cùng các hạng mục phụ.
Hơn 4 năm qua, đây là nơi trưng bày nhiều hiện vật của dân tộc Churu, nhắc nhớ về những thời kỳ xa xưa, tạo nên không gian thấm đẫm bản sắc. Bước lên những bậc thang thấp, đi vào ngôi nhà sàn lớn trung tâm làng, nhiều hiện vật, kỷ vật trong đời sống vật chất, tinh thần của người Churu đã tạo sức gợi lớn. Đó là các hiện vật lao động, sản xuất, sinh hoạt đời sống của đồng bào Churu gồm các loại nông cụ: cày, bừa, cuốc, xẻng; vật dụng phục vụ đời sống như các loại gùi, cối giã gạo, dụng cụ đánh bắt cá, nơm, đó, giỏ, dụng cụ săn bắt, hái lượm…; các nhạc cụ truyền thống như: chiêng, cồng các loại, trống da trâu, tù và, khèn môi, khèn bầu các loại, đàn tre…; các hiện vật trong hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống như: chóe các loại, cây nêu, đầu trâu; trang phục truyền thống, khăn áo; vật dụng sinh hoạt: chén, bát, nồi đồng, mâm, bầu đựng nước, nồi làm từ gốm truyền thống; hình ảnh mô tả các nghi thức phong tục truyền thống về cưới xin, tang ma, lễ hội. Trong đó có nhiều sản phẩm làng nghề của người Churu: nhẫn bạc, đồ gốm, rượu cần, đan lát thể hiện sự khéo léo trong lao động sáng tạo, chinh phục thiên nhiên của đồng bào.
Đến đây vào đúng những ngày mùa khô nắng gắt, chúng tôi được gặp nhiều bạn nhỏ quanh vùng lên hóng mát. Cùng đón những cơn gió từ mặt hồ thổi vào, cùng đi dạo len lỏi giữa rừng thông, thư thái đắm mình trong bốn bề là rừng, là hồ, là nước, là đồng rau xanh mượt. Làng văn hóa Churu không chỉ thu hút người dân nơi đây, mà du khách cũng đang dần tìm đến. Với vẻ đẹp của thiên nhiên, cùng những giá trị truyền thống, đây đang là nơi kết nối phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, du lịch canh nông.
Từ Làng văn hóa, du khách có thể phóng tầm mắt ra hồ Pró trong không gian mênh mông trời nước. Bao quanh là màu xanh thẫm của rừng phòng hộ nguyên sinh; xung quanh là những cánh đồng củ năng đã trở thành sản phẩm OCOP; trải nghiệm nghề gốm ở Kgrăng Gọ và nghề đúc nhẫn bạc đặc sắc, nghề đan lát, làm rượu cần; trải nghiệm những vườn rau công nghệ cao. Thăm những trang trại chăn nuôi bò sữa lớn, cùng uống ly sữa nóng vừa vắt ra từ con bò mẹ với bầu sữa căng tràn. Tối về hòa mình vào nhịp điệu cồng chiêng cùng vũ điệu Arya của đồng bào Churu, thưởng lãm văn hóa ẩm thực, những món nướng cùng chếnh choáng men rượu cần… du khách được đắm mình trong không gian giàu bản sắc.
Để thu hút du khách, huyện Đơn Dương cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo kỹ năng du lịch cho cộng đồng, tổ chức biểu diễn nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng và dân vũ, tiến tới thiết kế các tour du lịch hợp lý, tổ chức du lịch một cách bài bản. Từ đó, Làng văn hóa Churu trở thành điểm đến hấp dẫn, từng bước đánh thức tiềm năng phát triển du lịch Đơn Dương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào Churu – chủ nhân tác tạo nên những giá trị văn hóa.
Quỳnh Uyển
Báo Lâm Đồng – baolamdong.vn