Cơ hội “ráp nối”
Khu vườn Permaculture. Ảnh tư liệu của smallfootprintfamily.com
Thời đại du lịch hiện đại bắt đầu với Thomas Cook – ông tổ của ngành du lịch lữ hành – người “thu nhỏ thế giới” lại từ hoạt động du lịch, năm 1841.
Từ giữa thế kỷ 19, ông đã sáng tạo: Giá vé đoàn, Tour du lịch trọn gói (package), tiết kiệm tiền cho mục đích du lịch, xuất bản cuốn “excursionist” (gồm những câu chuyện và các thông tin có lợi cho du khách), vé đường sắt quốc tế, Circular Notes (tương tự như thư tín dụng), Hotel Coupon (hóa đơn khách sạn đầu tiên). Thật đáng tiếc, sau 178 năm hoạt động, cuối cùng Th.Cook & Son đã sụp đổ trong cơn đại dịch.
Hiện nay, do những giới hạn trong việc kiểm soát khí thải nhà kính trước biến đổi khí hậu và sức tàn phá của đại dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế và môi trường nhấn mạnh tới nông nghiệp tái sinh/tái tạo [Regenerative Agriculture] và Du lịch tái sinh (tái tạo) [Regenerative Tourism].
Nông nghiệp tái sinh không xem thế giới như một cỗ máy với tập hợp các nguồn tài nguyên cho phép con người cạnh tranh và khai thác mà phải tái sinh, tái tạo.
Trục tương tác này được thiết kế theo cách “gầy dựng nguồn vốn” và “trả lại” sự sống cho muôn loài, đề cao sự cân bằng hoàn hảo, tiếng nói của địa phương và sự chuyển đổi gắn với giá trị mới mang tính toàn diện hơn.
Nền tảng cơ bản của sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp được hiểu là các yếu tố xảy ra theo hệ sinh thái và mối tương tác tự nhiên, xã hội và văn hóa. Đây là cách hóa giải những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Sự tương hợp năng lượng giữa hai phương thức tác động có thể thúc đẩy sinh kế hướng tới sự bền vững.
Theo Trung tâm BSA, khi đối chiếu giá trị cốt lõi của du lịch có trách nhiệm (Responsible Tourism – 2002) với Permaculture – mô hình thích ứng và hữu hiệu của Regenerative Agriculture, cho thấy những điểm gặp nhau giữa trục tương tác du lịch và nông nghiệp:
– Sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường – yếu tố chính trong phát triển du lịch.
– Duy trì các quá trình diễn thể sinh thái cần thiết và hỗ trợ bảo tồn di sản thiên nhiên, tính đa dạng sinh học, môi trường.
– Tôn trọng và bảo vệ di sản và các giá trị truyền thống.
– Góp phần tăng thêm sự hiểu biết và tôn trọng các nền văn hóa khác.
– Đảm bảo lợi ích kinh tế thiết thực và lâu dài cho tất cả tác nhân tham gia.
– Đảm bảo phân bổ lợi ích kinh tế một cách công bằng – bao gồm cả các dịch vụ xã hội.
– Góp phần xóa đói giảm nghèo và giá trị khác biệt phải đạt tới chuẩn mực VTOS (*) quốc gia và quốc tế.
– Kinh tế phát triển du lịch thỏa mãn nhu cầu hiện tại mà không tổn hại tới tương lai.
– Hợp lực thúc đẩy hoạt động từ Du khách/Nhà quản lý/Nhân viên Chính phủ/Các doanh nghiệp/Cộng đồng.
Mô hình có thể hợp lý với người này, với hoàn cảnh này nhưng không hợp lý với đối tượng khác. Do đó các nhà chuyên môn đưa ra lời khuyên: Nên nhìn những lợi ích của mô hình trong việc giúp bảo vệ và tăng cường đa dạng sinh học, tăng khả năng thích ứng với các tác động của hệ thống, làm lắng đọng và luân chuyển các chất dinh dưỡng để tăng độ phì nhiêu cho đất, cải thiện các tính chất vật lý, sinh học và hóa học của đất, giảm thiểu tác động bất lợi do biến đổi khí hậu.
Lợi thế
Đại dịch đã khiến nhiều nhà vườn làm du lịch đối diện thách thức và lối canh tác phụ thuộc hóa chất đã hủy hoại nhiều vườn cây. Ảnh: Ch.L
Phải nói rằng từ xa xưa, nhà nông đã có mối liên hệ với trời đất, vũ trụ, dựa vào mặt trăng để tính con nước, dựa vào mặt trời để biết nắng mưa để tổ chức sinh kế, chọn lọc từ tự nhiên để lại cho đời nguồn tài nguyên bản địa định danh phong phú hơn những gì khoa học đương đại tìm ra.
Ở đó có kho tàng văn chương dân gian giàu có hơn bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống miền Tây sông nước. Ở đó có một nếp gia phong, một nền văn minh miệt vườn, văn hóa lúa nước phát triển dù lịch sử từng “trọng thương, ức nông”.
Hầu như tất cả món ăn giúp bạn no lòng đều từ nông nghiệp, nhiều món ngon từ làng quê được biết đến từ miền Tây… Hầu hết những món ngon dân gian đều có điểm xuất phát từ những câu chuyện tinh hoa gia truyền dựa vào nông nghiệp. Những vật phẩm mây tre, đan đát tinh xảo trong những khách sạn cao sang đều do những bàn tay khéo léo của cư dân nông nghiệp. Ở đó có những bộ não giàu tri thức bản địa, hiểu biết tài nguyên quanh mình – lối mở để ráp nối nguồn lực mới.
Ngày nay, dù làn sóng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, nền văn minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, nhưng thế giới công nghiệp chưa bao giờ có kho tàng văn chương giàu có như nông nghiệp.
Vậy tại sao nông nghiệp có vẻ hụt hơi trong thời buổi công nghiệp hóa? Vì chưa kết nối chặt chẽ, chưa hàn gắn những đứt gãy theo chuỗi với công nghiệp?
Công nghiệp phải tập trung, nỗ lực nhân tạo, trong khi nông nghiệp thừa hưởng giá trị của tự nhiên. Du lịch là nền công nghiệp sáng tạo, nền kỹ nghệ không khói – hàm ý nói về sự thân thiện môi trường – cũng gặp không ít khó khăn khi nông nghiệp phụ thuộc hóa chất. Làm nông chạy theo sản lượng, phụ thuộc hóa chất đã khiến nông nghiệp truyền thống bị biến dạng. Ngay cả việc ráp nối thông qua cung ứng nguyên liệu chế biến cũng trục trặc do nguyên liệu lưu tồn bã độc. Khi chết dí trong cách sản xuất phụ thuộc hóa chất, khê đọng và giải cứu triền miên, có vẻ như chúng ta mất dần lối sống thân thiện môi trường, làm ăn chân thực, hào sảng của người miền Tây trong khi du lịch hết sức coi trọng giá trị tuyệt vời đó.
Nông thôn nhiều kịch tính, đang tồn tại những câu hỏi: Có phải đất nông nghiệp rẻ hơn đô thị nên đây là vùng đất hứa cho ý tưởng đầu tư du lịch nông nghiệp? Có phải “tình huống cực đoan”, khắc nghiệt của nông sản nên phải ráp với du lịch để giải cứu nông dân? Có phải vì muốn ngăn chặn làn sóng đi “Bình Dương” mà phải làm du lịch nông nghiệp?
Ngược lại, có phải nông thôn là sinh cảnh tuyệt vời để chọn lựa con đường mới cho du lịch? Có phải bà con làm nông nghiệp đang sẵn sàng làm ăn với ngành kỹ nghệ không khói? Có phải xu hướng được biết đến nhưng chưa có giải pháp thích hợp?… Những câu hỏi không quá khó để trả lời. Nhưng để đi tới sự hiểu nhau, sự đồng thuận, sẵn sàng thay đổi là việc không đơn giản.
Câu hỏi đầu tiên khi chuyển đổi
“Mục đích thực sự của việc chúng ta làm là gì? Cải thiện thu nhập, có việc làm, con cháu không phải đi “Bình Dương”, môi trường trong lành, du khách tới chơi đông và lâu hơn” – những mong muốn của nông dân không có gì cao xa.
Hỗ trợ cộng đồng biến ngôi làng nhỏ, tầm nhìn lớn, thành nguồn lực kinh tế trải nghiệm và tiếp cận kinh tế tuần hoàn; theo các chuyên gia phát triển cộng đồng thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cách đây 3-4 năm, Antoine Tran – Việt kiều từ Pháp về Cần Thơ bàn về cơ hội nhưng không thành công.
Người này tìm đầu mối xây dựng Big Data du lịch nối kết với Pháp, phát triển khu nghỉ dưỡng cho những người già từ châu Âu về Phong Điền trú đông. Vitalis là một công ty của Kiều bào tại Paris cũng có mong muốn như vậy. Họ cần lời bảo đảm chắc chắn về thời gian dài của dự án để yên tâm đầu tư theo đúng chuẩn chăm sóc người già như các nước châu Âu.
Các cuộc tiếp xúc nhận diện thách thức từ cộng đồng địa phương cho thấy:
– Cơ sở hạ tầng không thuận tiện, tác nhân gây hại môi trường đang gia tăng và khó kiểm soát.
– Thiếu khóa huấn luyện cho các nhà sản xuất đầu vào – cung ứng cho hoạt động du lịch để họ hiểu hệ thống phân phối vận hành trong hệ thống khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn du lịch.
– Thiếu công cụ hỗ trợ, đo lường dịch vụ “sử dụng và hài lòng”.
– Kiểu bắt chẹt hoa hồng khiến việc tiếp cận thì dễ nhưng khó thành đối tác.
– Thiếu cách hướng cộng đồng làm du lịch chuẩn hóa các hoạt động để du lịch trở thành hình mẫu định dạng cuộc sống mới thanh lịch hơn.
– Gặp nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng/nhân lực/hàng hóa/dịch vụ/truyền thông/trật tự/an ninh/lòng tham…
– Tồn tại trong kiểu làm ăn “thích thì làm, mạnh ai nấy làm” nhưng luôn mất cân đối về kiến thức về thị trường và thông tin du khách.
Hiện nay, nhiều khu du lịch mọc lên ở Phong Điền, Cái Răng, nhưng có vẻ như vẫn thiếu một hạng mục quan trọng là khu nghỉ dưỡng như gợi ý của các Kiều bào từ Pháp về.
Một nhóm nhỏ những người bạn của Vitalis vẫn âm thầm vận động cộng đồng cùng mục tiêu thực hiện mô hình kết hợp: Du lịch tái tạo, sản xuất theo hướng Permaculture (tạm dịch là nông nghiệp vĩnh cửu. Mục đích chính của Permaculture là tạo ra các hệ thống của con người, cung cấp cho nhu cầu của con người, nhưng sử dụng nhiều yếu tố tự nhiên và lấy cảm hứng từ các hệ sinh thái tự nhiên. Mục tiêu và ưu tiên của permaculture được xem là trùng khớp với yêu cầu cốt lõi cho sự bền vững – Emma Chapman), từng bước phát triển toàn diện theo nông nghiệp tái sinh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ những mô hình cụ thể; từ nguồn tài nguyên bản địa, chất lượng tinh tươm sẽ tiếp cận chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, tạo dấu ấn thương hiệu vào mô hình du lịch gắn nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nguồn thu…
“Biết đâu, sau khi kiểm soát được COVID-19, du lịch sẽ phục hồi và đây là điểm trải nghiệm an lành, tiền đề – “bắt trớn” hồi sinh ý tưởng khu nghỉ dưỡng tại cộng đồng” – nhóm bạn nhỏ bé và lặng lẽ này vẫn nuôi hy vọng.
Châu Lan