Gia đình bà Ka Nier (bìa phải) có 3 thế hệ dệt thổ cẩm. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Gia đình bà Ka Nier (năm nay 88 tuổi), là nghệ nhân dân gian nghề dệt thổ cẩm, hiện có con gái (63 tuổi) và cháu gái đều có thể dệt thổ cẩm. Ka Thơm (28 tuổi) là cháu bà Ka Nier biết dệt từ khi còn nhỏ do thích dệt rồi bắt chước theo bà, theo mẹ. Dù dệt hoa văn thì chưa thạo, nhưng cô có thể hoàn thành một chiếc khăn sau hơn một ngày. Đặc biệt, mẹ của Ka Thơm có thể tách bông để kéo thành sợi dệt từ chính quả của cây bông tự trồng. Cả gia đình bà Ka Nier còn có thêm 3 gia đình của những người con trai trông chờ vào 1 ha cà phê và 3 sào lúa, nên khoản thu nhập từ dệt thổ cẩm cũng góp phần đáng kể cho kinh tế gia đình.
Sản phẩm thổ cẩm trước đây (khi chưa có dịch) được bán cho khách du lịch, trao đổi sản phẩm với các vùng miền, sử dụng trong lễ hội theo phong tục tập quán của buôn làng dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh, như: quần, áo, khăn, váy, tấm đắp, vòng tay… Theo Trưởng thôn Đam Pao Nguyễn Minh Thu, bà con dệt thổ cẩm để kiếm đồng rau đồng mắm, mua đồ ăn…, chủ yếu là lấy ngắn nuôi dài, ước chừng mỗi hộ cũng được 100 ngàn mỗi ngày.
Ngoài thổ cẩm, du khách đến Đam Pao có thể tham quan vườn lan, vườn rau, hoa công nghệ cao, vườn chuối, tìm hiểu sinh hoạt hằng ngày của bà con. Thôn Đam Pao vẫn còn giữ được các phong tục trong lễ cưới, lễ hỏi, lễ mừng nhà mới và sử dụng cồng chiêng trong các lễ hội này. Người dân thôn Đam Pao hiện còn giữ được 3-4 bộ cồng chiêng và có hơn 30 người có thể đánh cồng chiêng.
Thôn Đam Pao nằm ngay bên Quốc lộ 27 khi vừa ra khỏi địa phận hành chính của thị trấn Đinh Văn. Nội thôn Đam Pao có địa hình bằng phẳng, cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh với những con đường nội thôn bằng bê tông rộng rãi và sạch sẽ. Những ngôi nhà của bà con đều được xây dựng chắc chắn và hoàn thiện các tiêu chí vệ sinh môi trường. Trong thôn còn giữ được nhiều căn nhà gỗ xinh xắn với khoảnh sân rộng rãi phía trước là nơi gia đình sinh hoạt, phơi lúa hay cà phê khi vào vụ thu hoạch. Về kiến trúc tôn giáo thì có cả nhà thờ và chùa, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân và du khách.
Trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, thôn Đam Pao thường đón rất nhiều du khách mà đa phần là khách ngoại quốc đến thăm, tìm hiểu nghề dệt và phong tục tập quán của đồng bào. Thường mỗi ngày có khoảng 2-3 đoàn khách, mỗi đoàn từ 1-2 chục người; tính ra, mỗi năm cũng có hơn chục ngàn khách đến thôn Đam Pao. Đây là nguồn khách đi từ Đà Lạt theo tour Tà Nung – Nam Ban, hoặc từ Lâm Đồng đi buôn Jun, hồ Lăk.
Trưởng thôn Nguyễn Minh Thu cho biết thêm: Già làng Kră Jăn Nhang đang có ý định xây dựng một ngôi nhà rông và đã mua gỗ, cột kèo tập kết đầy đủ. Tuy nhiên, nguồn kinh phí xây dựng chưa có, già làng dự tính cuối năm nay thu hoạch cà phê sẽ tiến hành dựng nhà; thôn cũng đang đề xuất các cấp và kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ. Nhà rông của già làng sẽ trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn và tổ chức các hoạt động văn hóa dân tộc phục vụ du khách…
Cầu Máng là điểm checkin thú vị bởi sự hoang sơ và cũ kỹ. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Theo bà Phương Thị Hường – Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Hà: Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đam Pao đã được đưa vào kế hoạch phát triển du lịch của huyện Lâm Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện theo Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 26/7/2021 của Huyện ủy Lâm Hà và Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 01/02/2021 của UBND huyện Lâm Hà về thu hút đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Làng dệt thổ cẩm thôn Đam Pao là làng nghề truyền thống có bề dày hơn 50 năm gắn với lịch sử hình thành và phát triển của buôn làng Cil, K’Ho; sản xuất trên 8.000 sản phẩm dệt mỗi năm. Làng dệt thổ cẩm thôn Đam Pao sẽ kết hợp với các điểm du lịch và nghỉ dưỡng khác trên địa bàn huyện Lâm Hà và các địa phương trong tỉnh tạo thành các tour, tuyến du lịch mang đặc trưng của du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở vùng nông thôn.
Bà Dương Thị Hiền – Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng), cho biết: Qua khảo sát mô hình Làng dệt thổ cẩm ở thôn Đam Pao, chúng tôi thấy có thể xây dựng thành mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới, bởi những yếu tố đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là người Cill và K’Ho, với sản phẩm văn hóa đặc trưng là nghề dệt thổ cẩm. Thôn Đam Pao hiện nay đã có cơ sở hạ tầng tốt và đã có thời gian khá dài thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, đã có các cửa hàng bán và trưng bày thổ cẩm. Thôn Đam Pao rất gần thị trấn Đinh Văn, lại được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong chính sách xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng nên trong tương lai sẽ rất thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Nhật Quân