Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ

(TITC) - Ngày 18/7, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch 6195/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
khu du lịch sinh thái Núi Voi, Lâm Đồng. Ảnh: TITC

Kế hoạch của tỉnh đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó tập trung vào: Thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông thôn; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn… với sự tham gia và đóng góp nguồn lực của cộng đồng dân cư nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp du lịch – dịch vụ, các sở, ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội Du lịch và các tổ chức nghề nghiệp, liên quan đến du lịch và nông thôn…

Hồ Suối Vàng, Lâm Đồng

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm mục đích đẩy việc mạnh khai thác, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp; phát triển làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn; tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng cung cấp dịch vụ…

Trong quá trình phát triển du lịch nông thôn, tỉnh sẽ tập trung vào việc thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong không gian điểm du lịch; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch. Đồng thời, các điểm du lịch nông thôn cần được hỗ trợ xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ dọc theo tuyến đường giao thông gắn với điểm du lịch; xây dựng các điểm, nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm tại các tuyến đường chính, trạm dừng chân, các địa điểm thu hút khách du lịch…

Một trong những nội dung quan trọng là phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng địa phương. Toàn tỉnh sẽ xây dựng ít nhất 15 sản phẩm du lịch trải nghiệm quy trình sản xuất và chế biến một số nông sản đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP gắn với mô hình nghỉ dưỡng sinh thái, các tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại các vùng nông thôn; mô hình du lịch làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch bản địa; mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông kết hợp nghỉ dưỡng theo 3 cụm không gian du lịch, gồm: TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch, cụm du lịch TP. Bảo Lộc và các vùng phụ cận, cụm du lịch các huyện phía Nam trở thành vệ tinh và phát triển điểm dừng chân… 

Chương trình phát triển du lịch nông thôn sẽ xây dựng mô hình chuỗi liên kết du lịch theo phương thức rà soát, lựa chọn các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” để định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình; nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP; lựa chọn các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có tiềm năng phát triển du lịch để cải tạo cảnh quan, không gian quanh khu vực sản xuất tạo tiền đề cho phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa bản địa; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch” theo quy định.

Các mô hình du lịch nông thôn đều được tỉnh Lâm Đồng tập trung phát triển theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, chú trọng tính kết nối của kết cấu hạ tầng; phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch để hỗ trợ trong việc sản xuất, kinh doanh; đầu tư hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhằm tái sử dụng nước thải, rác thải cho các mục đích khác nhau; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống… gắn với du lịch nông thôn.

Trung tâm Thông tin du lịch