Qua 5 năm triển khai chương trình OCOP trong toàn tỉnh Lâm Đồng đã tạo ra động lực khởi nghiệp, phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm của các chủ thể trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sản phẩm OCOP Lâm Đồng không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa phương thức tiêu thụ để tăng thu nhập cho chủ thể trên địa bàn
Theo ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, toàn tỉnh trong 5 năm qua đã lựa chọn các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng tham gia 6 bước của chu trình gồm: hướng dẫn triển khai OCOP; đăng ký ý tưởng; nhận phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; triển khai phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2301/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ các tỷ lệ: 100% tuyên truyền, tập huấn, đánh giá phân hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP; 50% phát triển sản phẩm và gian hàng OCOP với mức tối đa lần lượt 200 triệu đồng/sản phẩm và 100 triệu đồng/gian hàng. Ngoài ra, còn hỗ trợ tối đa không quá 25 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP…
“Trong 5 năm qua, toàn tỉnh tổ chức 12 đợt xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, các tỉnh Bến Tre, Quảng Ninh, Gia Lai, Đồng Tháp, Quảng Nam, Nam Định, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Festival Hoa Đà Lạt và Tuần Văn hóa Trà – Tơ lụa Lâm Đồng tại TP Bảo Lộc. Bên cạnh đó hỗ trợ 1 dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ mắc ca tại Công ty TNHH Hoàng Anh Maca với nông hộ ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông; Chứng nhận vùng sản xuất nguyên liệu mắc ca tiêu chuẩn Global GAP. UBND cấp huyện hỗ trợ 14 chủ thể sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tham gia các đợt xúc tiến thương mại trong nước…”, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng thông tin thêm.
Đáng kể, UBND cấp huyện còn hỗ trợ 50 chủ thể sản phẩm OCOP đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc, thiết bị (máy nghiền, máy sấy thăng hoa, máy trộn, máy xay cà phê, máy hút ẩm…); thiết kế in ấn bao bì, nhãn mác; công bố, chứng nhận chất lượng sản phẩm, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; phát triển vùng nguyên liệu đương quy…
Kết quả đến nay có 6 Hội đồng OCOP cấp huyện đánh giá, phân hạng 44 sản phẩm. Trong đó, 40 sản phẩm mới tham gia, 4 sản phẩm đánh giá lại. Tính chung toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng 5 sao (9 sản phẩm), 4 sao (94 sản phẩm), 3 sao (111 sản phẩm). Có tất cả 123 chủ thể sản phẩm OCOP là hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể, trang trại, tổ hợp tác. Đặc biệt có 3 chủ thể sản phẩm OCOP nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao như: bộ Trà Olong Ba bông mai (Công ty Cổ phần Trà Long Đỉnh); Macca Lâm Hà (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sao Vàng Macca); Macca sấy Viet’s Nuts (Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu). Và sản phẩm OCOP nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao gồm: 2 sản phẩm Đông trùng hạ thảo sợi sấy khô, Đông trùng hạ thảo con nhộng tằm (Công ty TNHH rau hoa Song Bill); 1 sản phẩm Hạt điều rang muối Lê Gia (HTX Thương mại Dịch vụ và chế biến Lê Gia); 1 sản phẩm Mật ong PT (Công ty TNHH Thực phẩm PT Lâm Đồng); 1 sản phẩm Bơ 034 Bình Minh (HTX Thương mại Dịch vụ Bình Minh).
Chia sẻ về động lực khởi nghiệp, nâng cấp và phát triển sản phẩm OCOP của mình, chủ nhân Công ty TNHH Hoàng Anh Maca Nguyễn Thanh Huyền bày tỏ: Là một chủ thể sản phẩm OCOP 4 sao, được hỗ trợ khá nhiều các chương trình xúc tiến thương mại do ngành Công thương, ngành Nông nghiệp, các huyện trong tỉnh tổ chức, công ty đã kết nối các đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại TP Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc… Các hội chợ sản phẩm OCOP, đã tạo cơ hội xây dựng thành công kênh bán lẻ trực tiếp đến khách hàng. Đặc biệt, đưa sản phẩm OCOP tiêu biểu lên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị Go, Coopmart, Aeon… Thời gian gần đây, sản phẩm OCOP của công ty được quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử OCOP247, Alibaba, Tiktokshop…
Với Giám đốc Công ty TNHH ICHIFOODS Phương Nguyễn cho hay, thương hiệu ICHIFOODS có 5 sản phẩm xếp hạng OCOP 4 sao: Bột cần tây cỏ ngọt, Bột cần tây nguyên chất, Bột rau má dừa đậu xanh, Bột rau má đường phèn, Bột diếp cá cỏ ngọt. Qua 5 năm xúc tiến thương mại, thương hiệu ICHIFOODS đã xây dựng kênh phân phối trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử shopee, lazada, facebook, tiktok… Kênh phân phối gián tiếp thông qua hệ thống siêu thị Lotte Mart, AEON, WIN MART…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá, với 214 sản phẩm OCOP, tỉnh Lâm Đồng xếp thứ 12/63 trong cả nước. Qua triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, các sản phẩm OCOP Lâm Đồng không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa phương thức tiêu thụ, từ đó tăng thu nhập cho các chủ thể sản phẩm trên địa bàn.
Văn Việt
Báo Lâm Đồng Online – baolamdong.vn