Lai Châu: Than Uyên xây dựng và giữ vững sản phẩm OCOP

Với sự trợ lực từ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) đã có nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới của các địa phương dần xây dựng, khẳng định được thương hiệu. Các sản phẩm OCOP trở thành đòn bẩy giúp nông sản của địa phương tăng sức cạnh tranh và ngày càng vươn xa.


Các sản phẩm OCOP của huyện Than Uyên đa dạng về mẫu mã, chủng loại

Một trong những sản phẩm OCOP của huyện Than Uyên được nhiều khách hàng biết đến và có số lượng tiêu thụ khá lớn đó là sản phẩm thịt trâu gác bếp nhà Huyền ở thị trấn Than Uyên. Sản phẩm được làm từ thịt trâu sạch, nuôi tại địa phương, chế biến theo công thức của đồng bào Thái với các gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Để giữ vững thương hiệu và thúc đẩy thị trường tiêu thụ, cơ sở đã có những cách làm sáng tạo như: quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì, đóng gói.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương đồng thời thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Than Uyên đã chỉ đạo quyết liệt trong việc rà soát, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, chủ lực để xây dựng sản phẩm OCOP. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đến người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã nắm được các chính sách đặc thù của tỉnh khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến hết năm 2023 huyện Than Uyên đã có 35 sản phẩm OCOP.

Hiện nay, huyện Than Uyên vẫn có nhiều loại sản phẩm đặc trưng thế mạnh, có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP trong tương lai như: chanh leo, thảo quả, gà đen, thịt trâu và lợn sấy… Để các sản phẩm OCOP được duy trì và nâng cao chất lượng, giá trị, quy mô theo yêu cầu, huyện Than Uyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay thực hiện xây dựng các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương và kêu gọi sự liên kết của doanh nghiệp, hợp tác xã để mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và lồng ghép các nguồn vốn giúp chủ thể đầu tư, bổ sung máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm; đồng hành cùng chủ thể quảng bá sản phẩm, hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm. Cùng với đó, vận động chủ thể tích cực tham gia các hội chợ, sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm do các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức; tại các sự kiện lớn của huyện tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng đặc trưng của địa phương – đây là một trong những giải pháp đưa sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Với cách làm này, các sản phẩm OCOP của địa phương sẽ khẳng định được tên tuổi trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

Đinh Đông – Ngọc Duy

Báo Lai Châu – baolaichau.vn