Kon Tum: Phát triển sản phẩm OCOP du lịch

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa, những năm qua, tỉnh Kon Tum có nhiều chính sách, định hướng để phát triển đa dạng các điểm đến trở thành sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm du lịch.

Hiện tại, toàn tỉnh có 2 sản phẩm được công nhận đạt OCOP du lịch 3 sao, đó là: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (thôn Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) của Tổ hợp tác dịch vụ du lịch làng Kon Kơ Tu; Điểm du lịch A Biu (thôn Plei Kléch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) của hộ kinh doanh A Biu.

Ngoài ra, nhiều địa điểm, địa danh khác có nhiều tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch, tiêu biểu như du lịch tham quan, dã ngoại (Vườn quốc gia Chư Mom Ray, thác Pa Sỹ – Măng Đen, hồ Đăk Ke- Măng Đen); du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, thưởng ngoạn thiên nhiên và trải nghiệm đời sống người dân (làng Kon Pring- huyện Kon Plông, làng Đăk Răng, Đăk Mế – huyện Ngọc Hồi, làng Vi Rơ Ngheo- huyện Kon Plông, làng Pu Tá- huyện Tu Mơ Rông) cùng một số địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh khác.

Tìm hiểu dệt thổ cẩm tại làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Ảnh: H.T

Việc được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch sẽ góp phần nâng tầm các sản phẩm du lịch, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, tăng thu nhập cho người dân bản địa. Từ đó, giúp cộng đồng ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Anh A Kâm- Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ du lịch làng Kon Kơ Tu, hiện đang quản lý Homestay Hnam Gya (làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa) chia sẻ: Du khách khi đến với xã Đăk Rơ Wa, đặc biệt là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, sẽ được cảm nhận nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đó là không gian yên tĩnh đặc trưng của làng Kon Kơ Tu-ngôi làng cổ ven sông, trải nghiệm các sản phẩm văn hóa, nghe kể sử thi, truyện cổ dân gian, trải nghiệm đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, đi thuyền độc mộc, đánh cồng chiêng. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch vào năm 2021, làng cổ Kon Kơ Tu được nhiều du khách biết đến hơn. Chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động người dân trong Tổ hợp tác phải ra sức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, vì đó là những giá trị có sức hút với du khách và cũng là niềm tự hào về nét đặc sắc văn hóa của dân tộc Ba Na mà người dân địa phương từ bao đời nay giữ gìn, trao truyền lại cho thế hệ hôm nay.

Cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 8km hướng về huyện Sa Thầy là điểm du lịch nổi tiếng, hút khách của nghệ nhân ưu tú A Biu. Việc được công nhận là điểm du lịch OCOP vào cuối tháng 10/2021 đã giúp A Biu và bà con nơi đây có động lực để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, quy trình phục vụ khách chuyên nghiệp hơn trước.

Nghệ nhân A Biu chia sẻ: Tôi cố gắng xây dựng một quy trình phục vụ khách hiệu quả nhất có thể, từ việc đặt chỗ, di chuyển, đón tiếp, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đều phải tạo được ấn tượng và làm du khách nhớ mãi. Hiện nay tôi đã thành lập được 2 đội nghệ nhân thường xuyên phục vụ du khách tại điểm và thường xuyên tham gia các cuộc thi lớn, nhỏ tại địa phương. Lượng du khách tăng dần qua các năm đã giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, nghệ nhân trong đội. Qua đó, giúp bà con nhân dân luôn “giữ lửa” đam mê với văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả bước đầu tại một số nơi như đã nêu trên, việc phát triển sản phẩm OCOP du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều trở ngại, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhận thức của các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn về các sản phẩm OCOP du lịch chưa cao, hình thức truyền thông chưa đa dạng; việc rà soát, hướng dẫn các sản phẩm tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch của cấp xã vẫn có mặt còn hạn chế…

Du khách trải nghiệm đan lát cùng nghệ nhân tại làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu. Ảnh: HT

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất có sản phẩm đạt OCOP du lịch còn chưa cao; hạ tầng, môi trường, cảnh quan ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng được những tiêu chí khắt khe theo quy định mới.

Vì vậy, để thúc đẩy phát triển và khai thác hết tiềm năng hiện có của nhóm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm du lịch, tỉnh ta xác định lấy công tác tuyên truyền, vận động làm nòng cốt; đặc biệt là việc truyền thông, nâng cao nhận thức thường xuyên cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP, các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến cấp xã.

Đồng thời, tiếp tục có những đề xuất, hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhằm huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp người dân; chủ động rà soát các sản phẩm tiềm năng và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, marketing cho quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP du lịch.

Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-  2025, việc phát triển các sản phẩm OCOP du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Trong định hướng chung đó, sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch sẽ tiếp tục được tỉnh ta quan tâm đầu tư, phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Hoàng Thanh

Báo Kon Tum điện tử – baokontum.com.vn