Kon Tum: Huyện Kon Plông phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Là địa phương tiềm năng phát triển du lịch và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đang hướng đến việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch sinh thái tại địa phương.

 

Du khách tham quan vườn cam tại trang trại nông nghiệp sinh thái Măng Đen

Thực tế thời gian qua, huyện Kon Plông đã phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái. Trong đó, cam Măng Đen một trong những sản phẩm OCOP đạt 3 sao của huyện Kon Plông. Đây là sản phẩm của ông Nguyễn Quang Đông, chủ trang trại nông nghiệp sinh thái Măng Đen.

Trải qua hơn 4 năm đầu tư, chăm sóc theo phương pháp hữu cơ, 10ha cam của gia đình ông đã cho quả ngọt, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Mục tiêu ông đặt ra không chỉ là xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương, mà còn hình thành vùng sản xuất sản phẩm cam sành Măng Đen gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái.

Tại huyện Kon Plông, cũng đã hình thành một số điểm du lịch vườn cam quýt, thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn mỗi vụ. Điển hình như: Vườn cam Orfarm Măng Đen, Vườn cam Măng Đen đã trở nên quen thuộc thu hút du khách đến Măng Đen. Đến thăm quan các vườn cam, du khách được trải nghiệm quá trình chăm sóc và thu hoạch cam; được thưởng thức sản phẩm nước ép cam và chụp hình với những góc ảnh, khung cảnh rất đẹp và nên thơ.

Hiện nay, các mô hình du lịch theo kiểu tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao hoặc phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm nghề thủ công truyền thống đang được các doanh nghiệp lựa chọn, được đầu tư xã hội hóa với nhiều hình thức. Từ việc khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như việc bám sát Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, nhiều doanh nghiệp đã có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển du lịch huyện Kon Plông theo hướng bền vững.

Với lợi thế về điều kiện khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hữu tình và phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Huyện Kon Plông đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Hệ thống nhà hàng, khách sạn và loại hình lưu trú homestay trên địa bàn huyện phát triển mạnh đảm bảo phục vụ nhu cầu nghĩ dưỡng của du khách.

 Huyện Kon Plông hiện có 16 điểm du lịch đã đưa vào khai thác và 6 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Toàn huyện có 47 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, với khoảng hơn 462 phòng ở, đảm bảo phục vụ lưu trú cho khoảng 1.600 lượt khách lưu trú, nghĩ dưỡng mỗi ngày. Đây là yếu tố quan trọng để huyện Kon Plông phát triển du lịch. Theo số liệu thống kê trong 02 tháng đầu năm 2023, huyện Kon Plông đã đón trên 420.000 lượt du khách đến địa bàn.

 

 Du khách tìm hiểu sản phẩm OCOP tại Resot Đắk Ke

Thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phát triển Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, đến nay, huyện Kon Plông có 34 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. Theo đó, huyện Kon Plông đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP mới, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận tiếp tục chuẩn hóa, nâng cấp chất lượng sản phẩm để nâng xếp hạng sản phẩm lên 4 sao, 5 sao. Đồng thời các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch như: tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP vào các ngày hội của địa phương, ngày lễ quan trọng của đất nước; hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội chợ trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh; thường xuyên cập nhập, đưa thông tin, hình ảnh các sản phẩm của huyện lên website Du lịch Măng Đen; liên kết với các website của các công ty du lịch trong nước để quảng bá hình ảnh du lịch Măng Đen.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư ở địa phương. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho phát triển du lịch, thu hút du khách và hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững./

 Mỹ Hòa (huyện Kon Plông)

Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum – kontum.gov.vn