Kon Tum: Du lịch nông thôn – Tiềm năng và vấn đề đặt ra

Với sự đa dạng về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, địa bàn dân cư, gắn với lịch sử lâu đời và bề dày văn hóa truyền thống đặc sắc, có thể thấy, tỉnh Kon Tum là địa bàn giàu tiềm năng để hình thành và phát triển du lịch nông thôn.

Thực tế, thời gian qua, du lịch nông thôn được biết đến tại địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động khá phong phú, như du lịch cộng đồng, tham quan các danh lam thắng cảnh; tham quan, trải nghiệm tại các trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vườn dược liệu, vườn cây ăn quả, tại các làng đồng bào DTTS… Không chỉ tham gia vào một hoạt động du lịch riêng lẻ, du khách còn có thể hòa mình vào nhiều nội dung trong chuỗi kết nối các điểm đến, các loại hình du lịch.



Trải nghiệm cùng đồng bào DTTS. Ảnh: T.N


Tại huyện Kon Plông, Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen nổi lên là địa bàn tiêu biểu bước đầu đã hình thành, phát triển du lịch nông thôn. Đến đây, du khách không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, mà còn có thể khám phá, trải nghiệm tại các điểm du lịch mang nét đặc thù của vùng nông thôn miền núi.


Không riêng Măng Đen, ngay tại các làng du lịch cộng đồng ở các huyện, thành phố trong tỉnh, sự kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn cũng góp phần làm phong phú, thích thú và ý nghĩa hơn cho hành trình trải nghiệm du lịch nông nghiệp của mọi người. Đến thăm Làng Du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) để được tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống và trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào Ba Na địa phương, du khách không thể bỏ qua sự cuốn hút của nhà rông Kon Klor, cầu treo qua sông Đăk Bla… Hay như, đến thăm làng Pu Tá của đồng bào Xơ Đăng (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) được kết nối với “về nguồn” thăm vùng căn cứ cách mạng, tham quan, trải nghiệm vùng ruộng bậc thang… Ở huyện Sa Thầy, chuyến thăm làng Ba Rgốc của đồng bào dân tộc Gia Rai sẽ càng ý nghĩa, thú vị hơn khi được gắn với khám phá Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành các làng du lịch cộng đồng. Song để hình thành và phát triển du lịch nông thôn thì không chỉ trông chờ vào sự độc đáo đơn lẻ của mỗi khu dân cư này, mà cần phải quan tâm phát triển theo hướng mở rộng các điểm đến, các loại hình du lịch theo chuỗi kết nối. Yêu cầu phát triển các loại hình du lịch để góp phần hoàn thiện thêm hoạt động du lịch nông thôn bền vững là quá trình lâu dài và không thể thiếu sự đầu tư đúng mức nguồn lực vật chất, nhân lực phục vụ du lịch. Với từng bước đi “không chỉ một sớm một chiều” ấy, mỗi địa phương, cơ sở, gia đình, cá nhân làm du lịch cần có nỗ lực riêng, cách làm phù hợp, nhằm tạo ra bản sắc, sức hút riêng. Mặt khác, thực tế bước đầu hình thành du lịch nông thôn tại địa bàn tỉnh cũng đặt ra một vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách phục vụ phát triển du lịch, trong đó, có quy định về quản lý đất đai để đầu tư hình thành, phát triển các điểm du lịch.


Tại Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, điểm du lịch sinh thái Ê Ban Farm, Thiện Mỹ Farm đã cơ bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư trồng rau, hoa, quả theo dự án đã được phê duyệt, ổn định hoạt động, thu hút du khách tham quan. Để đáp ứng yêu cầu đón tiếp, phục vụ du khách mong muốn có thêm thời gian trải nghiệm tại đây, các cơ sở này mong muốn được đầu tư thêm dịch vụ lưu trú. Tuy vậy, nếu muốn xây dựng cơ sở lưu trú thì phải được phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dịch vụ theo quy hoạch. Thực tế, chưa có quy hoạch cụ thể hay chưa được điều chỉnh quy hoạch phù hợp, thì chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.


Tại xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum), thời gian qua, cũng xuất hiện hộ dân đầu tư làm vườn, trồng cây, thiết kế khuôn viên trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình theo mô hình một điểm tham quan, trải nghiệm gắn với các sản phẩm của địa phương. Tuy vậy, đây mới chỉ là nỗ lực tự phát, chưa khả thi để trở thành điểm du lịch nông nghiệp như mong muốn, bởi chưa đáp ứng yêu cầu chuyển quyền sử dụng đất dịch  vụ.


Hiện nay, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được xác định “là hướng đi tất yếu, nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững…”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI gắn với yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch nông nghiệp tại địa bàn tỉnh, xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; cũng như tiếp tục khai thác các tour du lịch mới trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng cảnh quan, môi trường, đời sống người dân nông thôn.


Để đáp ứng yêu cầu khai thác, phát triển tiềm năng du lịch nông thôn tại địa bàn tỉnh, bên cạnh các giải pháp đồng bộ ở tầm vĩ mô và góc độ quản lý nhà nước về du lịch, vẫn rất cần những bước đi phù hợp của các doanh nghiệp, cơ sở, hộ cá thể trong phát huy nội lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.     


Thanh Như