Thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh (gọi tắt là Đề án), thời gian gần đây, tỉnh từng bước hình thành nhiều mô hình du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng, các sản phẩm nông nghiệp thu hút đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Đến nay, toàn tỉnh có 14 khu, điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh (trong đó thành phố Kon Tum có 4 điểm, huyện Kon Plông có 7 điểm, huyện Đăk Hà có 1 điểm, huyện Ngọc Hồi có 1 điểm, huyện Sa Thầy có 1 điểm); trên 30 điểm du lịch nông thôn, văn hóa, cộng đồng khác đang được đầu tư xây dựng; nhiều làng văn hóa, làng nghề truyền thống được thống kê, rà soát để có kế hoạch hỗ trợ bảo tồn, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nông thôn.
Tại huyện Sa Thầy, thời gian qua, nhằm thực hiện hiệu quả việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, địa phương dành nguồn lực đầu tư, phát triển nhiều điểm du lịch nông thôn, từng bước định hướng, quy hoạch các khu, điểm du lịch tiềm năng, đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch khác trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, huyện Sa Thầy phát triển nhiều sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền như dịch vụ biểu diễn cồng chiêng, xoang, dân ca, nhạc cụ dân tộc của các đội văn nghệ truyền thống; các hoạt động tham quan, trải nghiệm đánh bắt cá truyền thống, thả lưới trên lòng hồ thủy điện Ya Ly; các dịch vụ du lịch, kết nối tour trải nghiệm gắn với Khu Du lịch sinh thái cấp tỉnh Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
Thời gian qua, thành phố Kon Tum cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Vừa qua, địa phương này đã tổ chức điểm Ngày hội quảng bá, kết nối du lịch, các sản phẩm đặc trưng về nông nghiệp, văn hóa tại xã Ia Chim đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách. Ngày hội đã giới thiệu đến du khách nhiều món ăn đặc trưng mang đặc trưng bản địa, các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng; xuất hiện nhiều cá nhân, đơn vị tiêu biểu, đi đầu phát triển tốt mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với trải nghiệm văn hóa, sinh thái địa phương các thôn Plei Lay, Nghĩa An, Tân An, Plei Weh, Plei Bur, Plei Druân, Plei Sar, Hội quán Nông nghiệp du lịch Ia Chim, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ – Du lịch Ia Chim.
Các địa phương khác đẩy mạnh việc rà soát, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch nông thôn. Như huyện Ia H’Drai phát triển mô hình du lịch làng chài Sê San gắn với bảo tồn nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản; huyện Tu Mơ Rông hình thành các điểm du lịch cộng đồng gắn với tour trải nghiệm khám phá vườn sâm Ngọc Linh của người dân, doanh nghiệp; huyện Kon Rẫy, Đăk Tô phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với suối, thác, cảnh quan thiên nhiên, các khu di tích, địa chỉ đỏ; huyện Đăk Glei phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với suối, thác, các sản phẩm từ dược liệu, sâm Ngọc Linh.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu theo Đề án, vừa qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, kiến thức homestay cho những người kinh doanh các mô hình tại tỉnh và cán bộ cơ sở tại các địa phương phụ trách lĩnh vực du lịch cộng đồng. Đồng thời, tiến hành khảo sát đánh giá hoạt động các mô hình trong thời gian qua nhằm tạo cơ sở định hướng các giải pháp phù hợp trong thời gian tới, gắn với đẩy mạnh quảng bá, truyền thông trên các phương tiện thông tin.
Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đề ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 5 điểm du lịch nông thôn được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; từ 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật, cách thức quản lý và khai thác để phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trong đó, tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân bản địa trong việc làm du lịch, gắn với nâng cao chất lượng sống cho các vùng nông thôn, phát triển cộng đồng dân cư địa phương; đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực du lịch ở các đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực du lịch nông thôn.
Các ngành chức năng, các đơn vị và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bản sắc văn hóa, các điểm đến, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn qua nhiều hoạt động cụ thể, có sức lan tỏa. Qua đó, góp phần kết nối, thu hút các nhà đầu tư đến tham quan, tìm hiểu.
Hoàng Thanh
Báo Kon Tum – baokontum.com.vn