Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có 43 dân tộc anh em, trong đó có 7 dân tộc bản địa đã hình thành nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số, thể hiện ở các loại hình như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, lễ hội; các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ – chữ viết; Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Bên cạnh đó, các sản phẩm dịch vụ du lịch đi kèm cũng được quan tâm và phát triển: 200 sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng, lợi thế của tỉnh phù hợp làm quà biếu, quà tặng đạt từ 3 đến 5 sao; trong đó có 01 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm quốc gia), 16 sản phẩm đạt 4 sao và 177 sản phẩm đạt 3 sao, 06 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, đánh giá và công nhận. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân, cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Xác định được những tiềm năng thế mạnh đó của địa phương, để đẩy mạnh phát triển du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan, khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa đặc sắc vốn có góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã đặt ra các mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn năm 2022-2025: Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 05 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Xây dựng cơ sử dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời tích hợp chung trong bảnn đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn…
Giai đoạn năm 2025-2030: Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu đến năm 2030 có 07 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 70% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách dulịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 70% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 70% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ sơ sở du lịch nông thôn đuợc đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời tích hợp chung trong bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc. Củng cố và nâng cấp ít nhất 60% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn…”
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của du lịch nói chung và du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn nói riêng
Với thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay của chuyển đổi số. Từ đó từng bước thay thế phương thức hoạt động truyền thống sang hoạt động môi trường số. Và ngành du lịch cũng không ngoại lệ.
Vài năm trở lại đây có khá nhiều doanh nghiệp du lịch trên thế giới không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa, trong đó đặc biệt phải kể tới “Ông tổ” Ngành du lịch Thomas Cook phải phá sản do sự trỗi dậy của các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến mà nổi bật là Đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agent – OTA), cùng với sự bùng nổ của các ông lớn Booking, Agoda, Expedia, Traveloka, Klook ,…. Điều này chứng minh thị trường du lịch đang cực kỳ cạnh tranh và những thay đổi, xu hướng mới giúp tinh giản bộ máy sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp du lịch trong tương lai.
Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã bước vào đường đua chuyển đổi số và bức tốc để tạo nên sự khác biệt cho ngành du lịch của địa phương, điển hình như: Tỉnh Ninh Bình được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo và “chịu khó” đầu tư cho kinh tế du lịch, hiện nay các doanh nghiệp ở Ninh Bình đang tích cực triển khai cung cấp thông tin du lịch thông qua các website, cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch Ninh Bình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình, hay qua các nền tảng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo… Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển nền kinh tế xanh sau đại dịch COVID-19, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch Thông minh; gần đây nhất, Thành phố đã triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý. Đặc biệt, thời gian tới, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội (Social listening); nâng cấp, hoàn thiện 13 nhóm cơ sở dữ liệu du lịch của thành phố đồng thời xây dựng booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo cũng như triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch; nâng cấp hệ thống ứng dụng QR code trong thông tin, giới thiệu tại các điểm tham quan thành công nghệ RFID và triển khai dự án xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC…
Giải pháp trong chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tỉnh Kon Tum
Với xu thế chung của quốc tế và quốc gia về chuyển đổi số trong phát triển du lịch, tỉnh Kon Tum cũng đã xác định để thực hiện hóa các mục tiêu của Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030” thì việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một trong những giải pháp mang tính then chốt, quyết định. Do đó, trong thời gian tới, các cấp các ngành, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số du lịch, cụ thể như sau:
Thứ nhất, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.
Thứ hai, xây dựng ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện. Xây dựng phần mềm trợ lý ảo trả lời tự động du lịch Kon Tum (ứng dụng chatbot) tích hợp trang thông tin du lịch.
Thứ ba, nâng cấp cổng thông tin điện tử, dùng để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh; đăng tải, cập nhật tin tức sự kiện chủ yếu về lĩnh vực du lịch trong tỉnh và trong nước, cung cấp các thông tin cần thiết cho khách du lịch về các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương; đăng tải các cơ chế, chính sách phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum,… là kênh liên kết, kết nối dưới góc độ quản lý nhà nước về xúc tiến, quảng bá du lịch Kon Tum với các địa phương trong cả nước; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch cho các tỉnh thành viên của các nhóm liên kết; Tự động hoá việc trả lời, tư vấn du khách về thông tin các địa điểm du lịch trên địa bàn.
Thứ tư, số hóa điểm đến du lịch Nhà Thờ Gỗ nhằm bảo tồn di tích, di sản và tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng bằng cách cho phép du khách truy cập liên tục các dữ liệu để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ. Triển khai các kios (màn hình tra cứu thông tin) tự động, giúp du khách tìm hiểu các thông tin các địa điểm du lịch tại địa phương.
Phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số trên địa bàn các huyện, thành phố nhằm khai thác các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, kết hợp với các tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa… của tỉnh. Từng bước tạo thương hiệu của du lịch Kon Tum mang bản sắc riêng, góp phần sớm đưa du lịch Kon Tum trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh./.
Huyền Trang
Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum – kontum.gov.vn